MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trưởng Ban Kinh tế TW: Chính phủ đã đánh giá sát với tình hình thực tế

23-05-2014 - 16:02 PM | Xã hội

Trao đổi về tình hình biển Đông tác động đối với kinh tế, ông Vương Đình Huệ cho rằng trong điều kiện hội nhập, mỗi bước đi của nước nào đó phải tính toán kỹ, thời buổi này không phải muốn làm gì cũng được.

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13, thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014, ngày 23/5, GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Chính phủ đã đánh giá sát với tình hình thực tế, báo cáo của Chính phủ ngắn gọn, có nhiều số liệu, đi thẳng vào vấn đề và có đổi mới.

Thảo luận tại phiên họp, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương bày tỏ đồng tình cao với những giải pháp của Chính phủ, thẩm tra của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội những tháng còn lại của năm nay, tuy nhiên cũng đề nghị cần phải nhanh chóng cụ thể hóa những vấn đề nêu ra trong Hiến pháp 2013.

Trao đổi về tình hình biển Đông tác động đối với vấn đề kinh tế, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng: Trong điều kiện hội nhập, các nước đều có sự phụ thuộc lẫn nhau, mỗi bước đi của nước nào đó phải tính toán kỹ, thời buổi này không phải muốn làm gì cũng được.

Chính vì vậy, theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trước mắt chúng ta cần giải quyết tốt những vấn đề nội tại của nền kinh tế. Thống nhất với báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cần tập trung xử lý tổng cầu, làm sao phân bổ, giải ngân sớm các nguồn vốn đưa ra thị trường, đẩy nhanh vốn trái phiếu, ngân sách, nhất là vốn đối ứng cho ODA cũng cần giải nhanh lên. Tăng cường đối thoại giữa chính quyền, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, giải quyết tốt vấn đề quản lý đầu tư, giải phóng mặt bằng, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp.

Đối với kết cấu hạ tầng về giao thông, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị sớm ban hành văn bản, nghị định về hợp tác công tư, đi kèm với việc phải quy định rõ ràng các thể chế trong hợp tác công tư để phát huy thêm các nguồn lực xã hội hóa, tăng cường đầu tư.

Về tái cơ cấu nền kinh tế: Theo Nghị quyết của Quốc hội, cần đẩy mạnh tái cấu trúc, mục tiêu trong 2 năm 2014-2015, cần rà soát lại kết quả đạt được, chú trọng gắn tổng thể với vấn đề trọng tâm, tái cơ cấu ngành, trong đó có tái cơ cấu nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Quan tâm mô hình hợp tác công tư đối với lĩnh vực y tế, giáo dục để giảm tải cho bệnh viện, tăng cường đầu tư cho giáo dục, gắn nhà nước với doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này.

Đánh giá việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, vừa qua Chính phủ ban hành các Nghị quyết 15 là rất kịp thời, đề nghị cần đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, Quốc hội cần có chương trình giám sát khu vực này để làm sao quá trình tái cơ cấu có hiệu quả, không để thất thoát, cần thực hiện theo nguyên tắc thị trường để bảo đảm minh bạch, hiệu quả.

Đối với lĩnh vực tài chính tiền tệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần tập trung giải quyết vấn đề nợ xấu, vừa qua lập công ty quản lý nợ xấu nhưng quyền hạn còn rất hạn chế, cần bổ sung chức năng nhiệm vụ cho công ty này, cho phép công ty được mua bán nợ thật, chứ không chỉ quản lý nợ, phải sửa đổi chức năng nhiệm vụ, phải cấp vốn thực tế, giải quyết các thủ tục pháp lý, xử lý tài sản đảm bảo, hoàn thiện thể chế phát triển thị trường mua bán nợ thì chúng ta mới giải quyết được nợ xấu.

Theo GS.TS Vương Đình Huệ, trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, công tác truyền thông là rất quan trọng, trong tình hình hiện nay, đề nghị cần truyền thông chính xác, thận trọng khi đưa tin về lĩnh vực này.

Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải làm rõ nguyên nhân vì sao tăng trưởng tín dụng mấy năm nay đầu năm thì thấp cuối năm thì tăng nhanh. Và năm nay rút kinh nghiệm từ những bài toán thành công của năm trước cố gắng từ bây giờ chúng ta phải đẩy tín dụng ra không để những ngân hàng tháng 9 tháng 10 tín dụng không đạt cuối cùng còn 1, 2 tháng tín dụng lại vọt lên đạt và vượt kế hoạch, đây chính là bài toán tín dụng chúng ta phải xem xét.” GS.TS Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Nguyễn Thanh Liêm

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên