MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ 1/4: Đồng loạt tăng phí cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Quốc lộ 5

30-03-2016 - 14:20 PM | Xã hội

Từ ngày 1/4 này, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) sẽ điều chỉnh tăng mức thu phí sử dụng đường bộ đối với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (tăng 25%) và Quốc lộ 5 (tăng thêm 50%).

Theo cam kết của VIDIF, đây là đợt tăng phí "nóng" cuối cùng của dự án, từ những năm sau mức phí đường cao tốc sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng giảm hàng năm và mức phí Quốc lộ 5 cứ 3 năm tăng 18% theo quy định của Nhà nước.

Theo đó, đối với Quốc lộ 5, mức phí áp dụng từ 1/4 tăng bình quân 50% so với mức thu trước kia. Riêng đối với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng băng container 40feet (xe loại 5) thì mức tăng là 25% so với trước. Mức phí cao nhất của tuyến đường này là xe tải trên 18 tấn, xe container có vé 200.000 đồng/lượt và thấp nhất với xe dưới 12 chỗ là 45.000 đồng/lượt.


Biểu mức thu phí của 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 5. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Biểu mức thu phí của 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 5. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nguồn thu phí Quốc lộ 5 được sử dụng để thực hiện duy tu, đảm bảo an toàn giao thông và phần còn lại để hoàn vốn theo phương án tài chính cho dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).

Đối với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, từ ngày 1/4 sẽ không thực hiện giảm phí 25% cho giai đoạn đầu khai thác nữa, mức thu phí đường cao tốc là 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn, tương đương với mức thu phí đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đã áp dụng từ năm 2015.

Cụ thể, mức phí đối với loại xe con đi từ thành phố Hải Phòng (tỉnh lộ 353) đến đường vành đai 3 (Hà Nội) là 190.000 đồng/xe.


Biểu mức thu phí đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Biểu mức thu phí đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Riêng mức phí đối với các loại xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet đợt này không những không tăng mà còn được giảm thêm 10% so với mức thu phí trước đây để khuyến khích các doanh nghiệp vận tải hàng hóa lớn sử dụng đường cao tốc. Mức phí cao nhất đối với xe tải loại 5 áp dụng từ nút giao vành đai III đến nút giao ĐT 356 (Đình Vũ) và ngược lại là 760.000 đồng/xe.

Thừa nhận là công trình có hiệu quả kinh tế-xã hội nhưng việc thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn, ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIDIFI cho biết, nếu không tăng phí theo phương án tài chính đã được các Bộ, ngành phê duyệt thì phương án tài chính không đảm bảo và sẽ không đủ trả lãi ngân hàng.

Bổ sung thêm, vị Chủ tịch Hội đồng quả trị VIDIFI cho rằng, VIDIFI không vì mục tiêu lợi nhuận và đã cố gắng hết sức xin hỗ trợ từ Nhà nước, tăng các nguồn thu khác như đầu tư khu đô thị, khu công nghiệp được giao đê thu hồi một phần vốn và để có thể thu phí ở mức hợp lý.

“Để thu hồi vốn đầu tư đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và sửa chữa, bảo dưỡng, cải tạo Quốc lộ 5 và trong điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn, không thể hỗ trợ thêm cho dự án nên việc tăng phí đường bộ của 2 tuyến đường này là không thể không thực hiện,” ông Chiến lý giải.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng phí theo phương án tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận còn nhằm thực hiện đúng phương án tài chính để tạo điều kiện có thể chuyển nhượng một phần hợp đồng BOT dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng cho các đối tác.

Theo ông Chiến, hiện nay, lượng xe lưu thông của tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng mỗi ngày có khoảng 17.000-18.000 lượt xe, mức phí bình quân 1,7-1,8 tỷ đồng; Quốc lộ 5 thì khoảng 11.000 lượt xe, tiền phí thu về khoảng 1 tỷ đồng. Tổng mức thu phí của cả 2 tuyến đường do VIDIFI quản lý là 2,8 tỷ đồng/ngày.

Lãnh đạo của VIDIFI cũng cho hay, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được xây dựng với tổng mức đầu tư 45.000 tỷ đồng, suất đầu tư 10,8 triệu USD/km 4 làn xe, phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động 10,5-11,4% trong thời gian 30 năm. Mức phí thu cao tốc được thu tương đương Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây là 2.000 đồng/km xe tiêu chuẩn. Mức phí này được đưa ra theo lộ trình phù hợp với phương án tài chính xây dựng tuyến đường đã được các Bộ, ngành phê duyệt.

Ngay sau khi VIDIFI đưa ra quyết định tăng phí đối với 2 tuyến đường này, nhiều doanh nghiệp vận tải có xe chạy qua cảm thấy “sốc” và khẳng định dù phí tăng cao nhưng chưa thể điều chỉnh giá cước bởi phải có lộ trình, thời gian. Biện pháp duy nhất của đơn vị vận tải là phải tính toán, cắt giảm chi tiêu tối đa có thể để bù đắp vào khoản điều chỉnh tăng phí này, thậm chí có thể tính đến việc giãn tần suất, nốt khai thác nếu quá khó khăn./.

Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có 6 làn xe, tốc độ tối đa 120km/giờ, tối thiểu 60km/giờ, được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.

Tuyến đường đi qua 4 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với chiều dài 105km, tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).

Quốc lộ 5 là đường giao thông huyết mạch nối cụm cảng Hải Phòng với thủ đô Hà Nội. Điểm đầu từ km166 quốc lộ 1A (cầu Chui-Long Biên-Hà Nội), điểm cuối là Cảng Chùa Vẽ thành phố Hải Phòng. Chiều dài toàn tuyến 107km.

Quốc lộ 5 được cải tạo, nâng cấp từ tháng 6/1996 và hoàn thành tháng 6/1998. Trên Quốc lộ 5 có 2 trạm thu phí sử dụng, một tại địa phận Hưng Yên và một tại địa phận Hải Phòng.

Theo Việt Hùng

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên