MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ lệ lao động nữ tại Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, mừng hay lo?

08-03-2014 - 15:55 PM | Xã hội

Thống kê của Ngân hàng thế giới cho thấy tỷ lệ lao động nữ tại Việt Nam trên 73%, là mức cao so với thế giới.

Trên thế giới, tỷ lệ phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số, đông hơn nam giới. Vậy mà, đây lại là nhóm thường chịu những thiệt thòi về mặt lao động, xã hội.. Rõ ràng, càng ngày phụ nữ càng trở nên bình đẳng và tỏ ra chẳng chịu thua kém nam giới trong bất kỳ lĩnh vực nào. Ở các quốc gia càng văn minh và giàu có, sự đóng góp của phụ nữ càng cao, và tỷ lệ lao động nữ phân bổ càng nhiều. Tuy nhiên, phụ nữ ở nhiều nơi vẫn đang phải chịu những áp lực về xã hội, không có nhiều cơ hội để lao động, cống hiến, và tự giải phóng bản thân.

Căn cứ vào số liệu chính thức của Ngân hàng thế giới, Washington Post đã vẽ bản đồ phân bổ lao động nữ trên toàn thế giới. Nhìn vào mức độ đậm/nhạt của bản đồ, có thể dự đoán ít nhiều về mức độ phồn vinh của các quốc gia. Tuy nhiên, con số đó cũng có ít nhiều thiên lệch, khi dùng để đánh giá vai trò của phụ nữ cũng như sự bình đẳng mà họ có được.



Thống kê cho thấy, phụ nữ ở khu vực Trung Đông và các nước Hồi giáo có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp nhất, dưới 35%. Điều này không quá khó hiểu, khi mà bất bình đẳng giới tính vẫn là một hiện tượng nhức nhối. Khi mà phụ nữ phải đeo mạng che mặt, và khó khăn lắm mới dành được quyền bầu cử, một quyền lợi tưởng như là đương nhiên ở các quốc gia khác.

Ở một bình diện khác, khá bất ngờ, khi Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 quốc gia phát triển, tỷ lệ lao động nữ vẫn ở mức thấp. Đây là một vấn đề văn hóa chứ không còn đơn thuần là chính trị và kinh tế. Mặc dù bình đẳng với nam giới xét trên những quy định pháp lý, phụ nữ các quốc gia này vẫn chịu những áp lực nhất định của Nho giáo, cản trở nỗ lực của bản thân họ trong việc khẳng định bản thân.

Các quốc gia có tỷ lệ lao động nữ cao, chưa hẳn đã là phát triển. Trên thực tế, thống kê của Ngân hàng thế giới dựa trên số lượng phụ nữ trên 15 tuổi. Tuy nhiên, ở các quốc gia phát triển và văn minh, phụ nữ ở độ tuổi từ 15 - 25 lại thường đang dành thời gian để học hành thay vì tham gia lực lượng lao động. Đó là lý do các nước Châu Âu có bản đồ màu tím, tương đương tỷ lệ lao động nữ vào khoảng một nửa.

Tại Việt Nam nói riêng, các nước Đông Nam Á nói chung, mặc dù bất bình đẳng ít nhiều còn tồn tại, ảnh hưởng của văn hóa xã hội cũng như tác động lâu dài của Nho giáo - cũng như Hàn Quốc, tỷ lệ lao động nữ lại ở mức độ khá cao, từ 65 - 75%.

Lý giải điều này, có thể hình dung về cơ hội học tập, đến trường của phụ nữ, là chưa thực sự tốt. Chúng ta có thể thấy rất nhiều lao động nữ không được học hành đầy đủ, và nhanh chóng gia nhập lực lượng lao động, nhưng ở trình độ thấp, vẫn còn bất bình đẳng so với nam giới. Cơ hội học hành, đào tạo, rõ ràng được trao cho nam giới nhiều hơn. Phụ nữ tham gia lực lượng lao động, đôi khi không phải vì sự bình đẳng, mà do gánh nặng kinh tế không thể đặt lên vai một mình người đàn ông trong gia đình.

Và cũng không thực sự vui mừng, khi nhóm các quốc gia có tỷ lệ lao động nữ cao, còn có các quốc gia Châu Phi vốn đói nghèo và lạc hậu. Câu chuyện về lao động nữ, về bình đẳng giới, rốt cuộc, vẫn là câu chuyện rất dài.

Minh Huyền

thunm

Washington Post

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên