MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ lệ thất nghiệp không thể hiện được tỷ lệ nghèo

12-09-2014 - 21:06 PM | Xã hội

Bản tin thị trường lao động do Viện Khoa học lao động xã hội và Tổng cục thống kê công bố mới đây đang gây nhiều tranh cãi về sự xác thực tỷ lệ thất nghiệp và chất lượng việc làm.

Ông Phú Huỳnh, chuyên gia kinh tế lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Châu Á – Thái Bình Dương, đã có trao đổi với chúng tôi xung quanh chủ đề này:


Theo bản tin thị trường mới đây, tỷ lệ thất nghiệp ở Viêt Nam chỉ chưa đầy 2%, trong khi ở nhiều nước phát triển là 2 con số? Theo ông tại sao lại có sự khác biệt này?


Tỷ lệ thất nghiệp thấp có thể không thể hiện được tỷ lệ nghèo, bởi vì tỷ lệ thất nghiệp cao thường chỉ có ở các nước phát triển với tỷ lệ nghèo thấp. Ở những quốc gia với những hạn chế về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các phúc lợi xã hội khác, đơn giản là nhiều người không thể tồn tại nổi nếu bị “thất nghiệp”. Họ phải tìm kế sinh nhai bằng mọi cách, và thông thường họ chấp nhận làm những công việc chất lượng kém, trả lương thấp trong nền kinh tế phi chính thức hoặc chấp nhận những thỏa thuận làm việc một cách không chính thức. 


Ngược lại, ở những nước phát triển với hệ thống bảo trợ xã hội tiên tiến và mức sống cao hơn, người lao động có thể tồn tại trong hoàn cảnh thất nghiệp và dành thời gian đi tìm những công việc mà họ mong muốn. Bởi vậy, việc so sánh tỷ lệ thất nghiệp giữa các quốc gia có đặc điểm xã hội, kinh tế và thế chế rất khác nhau là khập khiễng và có thể dẫn đến những thông điệp sai lầm.


Vậy theo ông, đây có phải là hạn chế của việc sử dụng tỷ lệ thất nghiệp như một thước đo cho các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam?


Hạn chế của việc sử dụng tỷ lệ thất nghiệp làm thước đo cho các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam là nó không thể hiện được đầy đủ tình trạng của thị trường lao động. Những nước này không có đủ những việc làm tốt, bền vững với năng suất cao, dẫn đến việc không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của lực lượng lao động như tỷ lệ thiếu việc làm cao, thu nhập thấp và năng suất lao động thấp. 


Như vậy, việc theo dõi thị trường lao động ở các nước đang phát triển như Việt Nam cần có những chỉ số thể hiện được chất lượng việc làm. Chẳng hạn, những chỉ số này bao gồm tỷ lệ lao động nghèo, tỷ lệ việc làm dễ bị tổn thương, tỷ lệ nền kinh tế phi chính thức, tỷ lệ ngành nông nghiệp trong số việc làm, năng suất lao động và lương bình quân.


Ông có thể lý giải tại sao số doanh nghiệp phá sản, đóng cửa cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới mà thất nghiệp lại giảm?


Trong quý 2/2014, thất nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước bởi vì sự gia tăng việc làm (436.000) cao hơn so với với tốc độ gia tăng của lực lượng lao động (273.000). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng số lượng chủ lao động giảm (giảm 208.000) trong khi số lượng người lao động được trả lương tăng (453.000). Điều này phần nào thể hiện tính phức tạp của nền kinh tế và thị trường lao động Việt Nam. 


Trong khi một số doanh nghiệp gặp khó khăn, một số khác lại phát triển tốt hơn và có khả năng thuê thêm nhiều nhân công. Tuy vậy, một số người lao động mất việc không thể tìm một công việc được trả lương khác nên quay trở về với gia đình và làm việc như những người lao động gia đình không được trả lương. Bởi vậy, việc cải thiện dịch vụ việc làm và thông tin thị trường lao động sẽ giúp những người lao động tìm việc ở Việt Nam trong những thời điểm kinh tế thay đổi nhanh chóng.


Theo ông, đâu là những vấn đề chính đối với thị trường lao động Việt Nam?


Thị trường lao động Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong vài thập kỷ qua. Điều này được thể hiện qua mức lương cao hơn, tốc độ giảm đều đặn của các việc làm trong ngành nông nghiệp, và pháp luật lao động được cải thiện. Nhưng mặc dù có những tiến bộ như vậy, gần một nửa người số lao động Việt nam vẫn đang làm việc trong ngành nông nghiệp – ngành có năng suất lao động và thu nhập thấp. 


Cứ mỗi 5 người lao động thì khoảng 3 người làm những công việc dễ bị tổn thương (lao động tự làm và lao động gia đình không trả lương) – đó là những công việc có điều kiện làm việc đặc biệt không đảm bảo.


Nhìn chung, năng suất lao động và lương của Việt Nam tương đối thấp so với các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Malaysia, Singapore vàThái Lan. Bởi vậy, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực tăng cường pháp luật lao động, cải thiện việc tuân thủ luật pháp, thúc đẩy hệ thống quan hệ lao động và các cơ sở đào tạo, phát triển kỹ năng.


Theo ông đánh giá, đâu là cơ hội và thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam trong thời kỳ dân số vàng? Cần phải làm gì để nắm bắt được những cơ hội đó?


Cơ cấu dân số vàng ở Việt Nam thể hiện tỷ lệ lớn dân số trong độ tuổi lao động và giảm tỷ lệ phụ thuộc. Nếu Việt Nam có thể tạo ra đủ việc làm có chất lượng cao để đáp ứng nguồn lao động đang mở rộng, Việt Nam có thể đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế và giải quyết những lỗ hổng trên thị trường lao động. 


Sự ổn định kinh tế vĩ mô và các thể chế về thị trường lao động vững mạnh hơn sẽ giúp tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn, thu hút đầu tư và kích cầu. Thêm vào đó, cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo và chất lượng của các nhà cung cấp dịch vụ việc làm sẽ giúp người lao động Việt Nam và người tìm việc đáp ứng được các nhu cầu của doanh nghiệp và ngành nghề và nắm bắt những cơ hội việc làm mới và tốt hơn.


Xin cám ơn ông!


>>>Thống kê “nhào nặn” tác động xấu đến an sinh xã hội


Theo Xuân Cường 

cucpth

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên