MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Uber là phương thức vận tải mới chứ không phải taxi

04-12-2014 - 07:00 AM | Xã hội

Loại hình dịch vụ thuê xe Uber đang nở rộ ở Việt Nam gây rất nhiều tranh cãi, quan điểm trái ngược nhau dưới góc nhìn từ nhà quản lý, khía cạnh pháp lý cho đến ý kiến của người dân.

Tranh cãi về tính pháp lý của Uber

Việc sử dụng Uber tại Việt Nam đang gây nhiều tranh cãi với hai luồng ý kiến chủ yếu.

Những người không ủng hộ cho rằng Uber kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách nhưng lại không đăng ký hoạt động vận tải và không đóng thuế nên thiệt hại cho nhà nước. 

Trong khi đó, một bên khác đại diện là Bộ trưởng Đinh La Thăng lại có quan điểm trái ngược hoàn toàn, ủng hộ loại hình Uber trước hàng rào quy định pháp luật hiện hành về loại hình vận tải taxi.

Đề cao ưu điểm của dịch vụ Uber có giá thấp hơn taxi thông thường, người dân được hưởng lợi, Bộ trưởng Thăng cho rằng, cần phải thay đổi tư tưởng “không quản được thì cấm”  bằng việc thay thế quy định hiện hành, hợp pháp hóa vừa thuận tiện cho quản lý vừa tiện lợi cho người dân.

"Uber là phương thức vận tải đô thị mới của người dân chứ không phải là taxi"

Theo chuyên gia Lương Hoài Nam, các cơ quan quản lý đang hiểu sai về dịch vụ này. Bởi Uber không cung cấp dịch vụ vận tải, không phải là Người vận chuyển mà cung cấp nền tảng tin học kết nối giữa hành khách và người vận tải; quyền vận tải, nghĩa vụ nộp thuế thuộc người vận tải chứ không thuộc Uber.

Ông Nam cho rằng, trong trường hợp cho phép Uber đi vào hoạt động nên coi nó là một phương thức vận tải mới, không nên gọi là taxi và đương nhiên không được áp dụng quy định về taxi để cho rằng loại hình này phạm luật vì chủ xe tận dụng thời gian nhàn rỗi để có thu nhập.

Đề cập đến những rủi ro của dịch vụ này, ông Nam gợi ý, các cơ quan quản lý giúp người tiêu dùng hiểu rõ để họ tự quyết định (các rủi ro về trình độ lái xe, bảo hiểm, thông tin cá nhân..) và cho người tiêu dùng quyết định sử dụng dịch vụ nào.

Trong trường hợp thực sự đề cao quyền tự do kinh doanh của người dân và tạo cạnh tranh thì nên ủng hộ và tạo hành lang pháp lý cho Uber hoạt động. Còn nếu muốn bảo bộ các hãng taxi thì hãy cấm Uber, vì rõ ràng nó đánh vào nồi cơm của các hãng taxi mà đánh không hề nhẹ. 

“Đây là một phương thức vận tải đô thị mới của người dân không phải taxi theo cách hiểu lâu này. Vấn đề của nhà nước là cho hay không cho. Tuỳ nhà nước. Cho hoạt động thì có cách quản. Không cho thì không phải quản”- ông Nam nói.

Tại Việt Nam, Uber đang thuê lại xe của những công ty cho thuê xe chuyên nghiệp để kinh doanh nên việc quản lý sẽ thuận tiện hơn rất nhiều so với việc thuê lại xe của cá nhân. Bên cạnh đó, việc thu tiền của người đi xe đều không dùng tiền mặt mà thông qua hệ thống thanh toán trực tuyến nên cơ quản lý có thể dễ dàng nắm bắt được nguồn thu của Uber cũng như các doanh nghiệp có liên quan.

Uber có an toàn?

Luật sư Lê Thanh Sơn, Văn phòng Luật sư AIC, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng cơ quan nhà nước phải xem lại việc này. Nếu luật chưa quy định thì không thể tính là đã vi phạm và xử phạt. Việc TP. HCM đã xử phạt theo quy định kinh doanh vận tải taxi phải có giấy phép đăng kí và các Uber không có nên đã bị xử phạt.

"Thực ra cần nhìn nhận vấn đề ở hai trường hợp. Một là người sử dụng xe đó, kiếm tiền bằng hình thức này, kinh doanh có điều kiện thì việc xử phạt là đúng nhưng thực chất Uber tự bản thân không cung cấp dịch vụ vận tải mà là một nhà môi giới. Nếu Nhà nước không kiểm soát sẽ mất khoản thuế lớn từ dịch vụ này”, Luật sư Sơn cho hay.

Trên thực tế, nhiều nước Đông Nam Á và trên thế thế giới tỏ ra khá cẩn trọng với loại hình kinh doanh mới này. Họ cho rằng Uber không an toàn, khi xảy ra tai nạn không có đơn vị chịu trách nhiệm, không có bảo hiểm, tình trạng mất đồ, bán thông tin dữ liệu cá nhân...

Về vấn đề này, Luật sư Lê Thanh Sơn lại cho rằng không nên a dua để cấm loại hình kinh doanh mới này mà nên hợp pháp hoá bằng các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh. 

"Các nhà làm luật cần phải triệt để, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ để đưa Uber vào diện bị quản lý. Như vậy, Nhà nước vừa tận thu được thuế, người dân được hưởng lợi từ các yếu tố mới trong kinh doanh”, LS Lê Thanh Sơn nêu quan điểm.

Uber là loại hình dịch vụ taxi mới thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber trên smartphone để kết nối giữa người cần di chuyển và lái xe taxi. Những xe tham gia sử dụng Uber không có phù hiệu taxi, không logo, đồng hồ tính tiền cước như những xe taxi khác.

Hành khách chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình, hệ thống sẽ tự động kết nối với một chủ xe (có đăng ký tham gia vào ứng dụng Uber). Sau đó, hệ thống sẽ hiển thị thông báo các thông tin về chi phí chuyến đi, thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón.

Nếu khách hàng đồng ý thực hiện chuyến đi, hệ thống sẽ tự động tính tiền thông qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard. Loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường, trong đó Uber hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%.

 

>>> Uber có thể được định giá 40 tỷ USD   


Hướng Dương

bachhue

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên