Ứng cử vào Quốc hội: Cần nêu rõ ai có tổ chức phản động đứng sau
Một số ý kiến cho rằng nếu chỉ nói chung chung, sẽ phương hại đến người tự ứng cử vào Quốc hội...
- 17-03-2016Cả 19 ủy viên Bộ Chính trị ứng cử đại biểu Quốc hội
- 17-03-20162 Phó Thủ tướng được giới thiệu ứng cử đại biểu quốc hội
- 15-03-2016Tổ chức phản động đứng sau một số người tự ứng cử Quốc hội
Hội nghị do Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức sáng 17/3 để thoả thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 14 ghi nhận khá nhiều băn khoăn của các thành viên tham dự
Danh sách được xem xét tại hội nghị gồm 197 người do các cơ quan Trung ương giới thiệu, không bao gồm những người tự ứng cử.
Tuy nhiên, ở các địa phương đã có hơn 100 người tự ứng cử kịp ghi danh vào danh sách hiệp thương lần thứ hai. Trong đó, cả Hà Nội và TP.HCM, số người tự ứng cử đều cao hơn số được các cơ quan tổ chức giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ mới.
Trước đó, một số tờ báo dẫn lời một thành viên đoàn giám sát của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, nhận định là Việt Nam đã hình thành “phong trào” tự ứng cử đại biểu Quốc hội.
Và theo một thành viên đoàn giám sát, thuộc Tiểu ban An ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng Bầu cử Quốc gia thì “một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động”.
Tuy nhiên, không có trường hợp nào được nêu danh cụ thể.
Không đồng tình với phát ngôn này, Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng, nếu không chỉ rõ được ai thì không được nói chung chung như vậy, sẽ phương hại đến người tự ứng cử. Điều quan trọng, theo ông, là làm sao để chọn được đúng người đại diện cho nhân dân.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hoá xã hội nói, ông hơi sửng sốt khi mà đang vận động người dân tự ứng cử, thì lại nói có tổ chức phản động đứng sau. Nói chung chung như thế là xúc phạm những người tự ứng cử, ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đồng tình là không nên nói chung chung, nếu trường hợp nào có yếu tố trực tiếp như phát ngôn nói trên, thì cần nêu rõ.
Bên cạnh ý kiến nêu trên, một số ý kiến khác tại buổi hiệp thương đặt vấn đề, trong cơ cấu ứng viên lần này, khối hành pháp “phình” lên như thế thì có ổn không, khi mà hiếm thấy đại biểu nào ở khối này đứng lên chất vấn Chính phủ tại các kỳ họp Quốc hội.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích, khác với các nước, Quốc hội Việt Nam có đại biểu kiêm nhiệm và đại biểu chuyên trách. Và cơ quan dự thảo luật vẫn là hành pháp, nên cần có cơ cấu đại biểu khối này để nghiên cứu, dự thảo dự án luật.
VnEconomy