MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinalines: Mua “sắt vụn”, đút túi tiền tỉ

15-10-2013 - 07:47 AM | Xã hội

Kết thúc điều tra vụ án tham ô tài sản tại Vinalines, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định các bị can đã cố ý làm trái gây thiệt hại cho Nhà nước 366 tỉ đồng, tham ô 1,66 triệu USD.

Kết thúc điều tra vụ án tham ô tài sản tại Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines), Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định các bị can đã cố ý làm trái gây thiệt hại cho Nhà nước 366 tỉ đồng, tham ô 1,66 triệu USD.

Theo cơ quan điều tra, đây là vụ án có nhiều khó khăn, phức tạp trong quá trình điều tra, phải tiến hành điều tra cả trong và ngoài nước.

Cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng

Thiệt hại thực tế 525 tỉ đồng

Theo cơ quan điều tra, cơ quan này chỉ đề nghị truy tố các bị can với thiệt hại 366,7 tỉ đồng nhưng trên thực tế thiệt hại tính đến ngày 17-5-2012 (khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án) của dự án này là 525 tỉ đồng do các bị can thực hiện dự án trái quy hoạch, không chuẩn bị nguồn vốn...

Cơ quan điều tra xác định năm 2006, chủ tịch HĐQT Vinalines khi đó là ông Phạm Duy Anh đã ký nghị quyết giao tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines)  triển khai xây dựng một dự án nhà máy sửa chữa tàu biển ở phía Nam. Ngày 31-8-2006, Văn phòng Chính phủ có văn bản 4805/VPCP-CN thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng “đồng ý về mặt nguyên tắc cho Vinalines lập báo cáo đầu tư dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam.., trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Tuy nhiên, khi Thủ tướng chưa phê duyệt bổ sung dự án vào quy hoạch thì ngày 27-6-2007, ông Dương Chí Dũng (khi đó là chủ tịch HĐQT Vinalines) đã ký quyết định 687/QĐ-HĐQT phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỉ đồng, trong đó có hạng mục mua, lắp đặt một ụ nổi. Đến ngày 17-7-2008, ông Mai Văn Phúc, tổng giám đốc, có văn bản trình và được ông Dương Chí Dũng ký quyết định (ngày 3-10-2008) phê duyệt chính thức, tổng mức đầu tư được nâng lên thành 6.489 tỉ đồng.

Ngày 8-10-2007, ông Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt mua ụ nổi 83M (thành phần không tách rời của dự án nhà máy sửa chữa tàu biển) sản xuất năm 1965 (42 năm tuổi), với tổng mức đầu tư 14,136 triệu USD. Sau đó những người có liên quan lại có tờ trình đề nghị thay đổi phương thức mua, với tổng mức đầu tư 19,5 triệu USD, trong đó chi phí mua là 9 triệu USD.

Ngoài ra, việc Vinalines phê duyệt và triển khai mua ụ nổi 83M trước khi dự án nhà máy được phê duyệt dẫn đến việc không có địa điểm lắp đặt, khai thác nên Vinalines phải neo đậu ụ nổi này tại cảng Gò Dầu, chịu thiệt hại về lãi ngân hàng, các khoản tiền thuê chỗ neo đậu, bảo vệ và chi phí sửa chữa... Cơ quan điều tra cũng xác định các bị can thuộc ngành hải quan đã tham gia việc kiểm tra thực tế, ký quyết định cho thông quan ụ nổi 83M trái quy định đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 82 tỉ đồng.

Tham ô hàng triệu USD, mua nhà cho bồ nhí

Cơ quan điều tra cho biết khi tổ chức khảo sát ký hợp đồng mua ụ nổi 83M, các bị can biết ụ nổi này đã quá tuổi, không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng vẫn hợp thức thủ tục ký mua. Đặc biệt, Công ty Nakhodka chỉ bán ụ nổi dưới 5 triệu USD nhưng các bị can đã quyết định mua ụ nổi thông qua Công ty AP (có trụ sở tại Singapore), chỉ là nhà môi giới, với giá 9 triệu USD.

Công ty AP sau đó đã “lại quả” cho các bị can thông qua tài khoản của Trần Thị Hải Hà (em gái của Trần Hải Sơn, nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) số tiền 1,666 triệu USD.

Cụ thể, tháng 7-2007, Công ty Global Success (Nga) và Công ty AP đã ký với nhau thỏa thuận về việc ăn chia số tiền 9 triệu USD của hợp đồng mua bán ụ nổi 83M. Theo đó, Global Success được hưởng 3,2 triệu USD, bên thứ ba do Global Success chỉ định (là các bị can tại Vinalines) được hưởng 1,666 triệu USD, giám đốc Global Success được 1,134 triệu USD. Hợp đồng này không nêu việc sử dụng 3 triệu USD còn lại.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định số tiền 3 triệu USD này là Công ty Nakhodka (chủ sở hữu ụ nổi 83M) được hưởng 2,3 triệu USD và Công ty AP hưởng 700.000 USD.

Số tiền 1,666 triệu USD sau đó được Công ty AP chuyển vào tài khoản của Công ty Phú Hà, Hải Phòng do bà Trần Thị Hải Hà làm giám đốc. Sau khi nhận được số tiền này, Trần Hải Sơn chi cho Dương Chí Dũng 10 tỉ đồng, Mai Văn Phúc 10 tỉ đồng, Trần Hải Sơn gần 6 tỉ đồng, Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng và Trần Thị Hải Hà 2 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra xác định bà Trần Thị Hải Hà được anh trai mượn tài khoản để nhận tiền, không biết số tiền này là tham ô từ việc mua ụ nổi 83M. Khi cơ quan điều tra tiến hành điều tra vụ án, bà Hà đã chủ động nộp lại cho cơ quan điều tra, bà Hà không đồng phạm về hành vi tham ô nên không xử lý hình sự.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã kê biên bốn ngôi nhà của các bị can trong vụ án. Cụ thể, bị can Dương Chí Dũng bị kê biên ba ngôi nhà gồm căn nhà tại đường Nguyên Hồng (Đống Đa, Hà Nội); căn hộ 2901, tháp B, tòa nhà SkyCity (Hà Nội) và căn hộ số 10, tầng 8, tòa nhà Pacific (Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Trong đó, hai căn hộ chung cư được Dương Chí Dũng chi tiền cho bà P.T.Th. - người có con riêng với ông Dũng - mua. Bản thân bà Th. chỉ có 600 triệu đồng khi góp mua căn hộ 2901. Cơ quan điều tra cũng kê biên căn nhà tại phường Bạch Đằng, TP Hạ Long, Quảng Ninh của bị can Mai Văn Phúc.

Theo Minh Quang

cucpth

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên