MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vượt thu xin thưởng: Bắc Ninh, Quảng Ngãi xứng thưởng bao nhiêu?

06-03-2014 - 10:34 AM | Xã hội

Vượt thu xin thưởng là cơ chế nên áp dụng để khuyến khích địa phương, tuy nhiên mức thưởng thế nào phải tùy từng điều kiện từng địa phương để xem xét.

Xem kỹ trường hợp Bắc Ninh, Quảng Ngãi

Trước thông tin hai tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ngãi đã kiến nghị Bộ Tài chính thưởng hơn 360 tỷ đồng vì đã thu ngân sách vượt dự toán, đại biểu Quốc hội Lê Nam cho rằng quyết định thưởng phạt phải được tuân thủ theo luật.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đứng trước sự nỗ lực của địa phương để có được nguồn đóng góp lớn cho ngân sách đó là tín hiệu mừng và nên tính toán, không thể cào bằng.

Xét trên góc độ pháp luật, theo quy định của Luật Ngân sách cho phép thưởng khi vượt thu thì các cơ quan chức năng phải thực hiện theo đúng luật.

Còn về mặt đạo lý, theo ông Nam, phải nhìn nhận sự việc đó là sự nỗ lực, cố gắng của địa phương và cần có cơ chế để động viên, khích lệ tạo lên sự đột phá giữa các địa phương với nhau.

Tuy nhiên, xem xét thưởng - phạt phải dựa vào điều kiện thực tế, nguồn thu từ đầu tư ngân sách nhà nước hay nguồn thu sinh lời của chính địa phương, không thể cào bằng, coi nguồn thu từ đầu tư nhà nước giống như nguồn sinh lời bằng sự cố gắng của địa phương được.

Phân tích câu chuyệncủa hai tỉnh Bắc Ninh và Quảng Ngãi, ông Nam chỉ rõ, Bắc Ninh là hai tỉnh được sự đầu tư rất nhiều từ nhà nước nhằm thu hút nguồn vốn từ nước ngoài. Cụ thể Bắc Ninh được xếp trong tốp 5 toàn quốc về thu hút vốn đầu tư (sau Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bình Thuận, Hải Phòng) và đứng thứ ba về số lượng dự án (sau Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh Hóa), với gần 100 dự án đầu tư mới, trong đó 90% dự án FDI có tổng vốn đầu tư 1,48 tỷ USD.

Các dự án lớn hầu hết đã hoàn thành và đi vào sản xuất như Công ty trách nhiệm hữu hạn Fujikin Việt Nam; Nhà máy sữa đậu lành Vinasoy; Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Việt Nam; Công ty Cannon, Công ty Konishi…

Mặt khác, bản thân các công ty này cũng nhận được sự ưu đãi rất nhiều từ nhà nước, điển hình như Sam Sung lợi nhuận doanh thu siêu khủng, tuy nhiên đóng thuế thì nhỏ giọt.

Về trường hợp Quảng Ngãi, theo ông Nam, tỉnh có nguồn thu lớn từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Vì vậy, cần phải xem xét, áp dụng mức thưởng với từng địa phương, từng trường hợp khác nhau.

"Nếu địa phương đã nhận được nhiều ưu đãi, nguồn thu được sinh lời từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tức là tiền của dân thì nguồn thu đó không thể xem xét như nguồn thu tự lực của địa phương.

Tức là, địa phương tự phát triển, thu hút được đầu tư nó khác với các khoản thu nhờ đất đai, ngân sách nhà nước, tài nguyên"- vị ĐBQH nhấn mạnh.

Đồngquan điểm,ĐBQH Đinh Xuân Thảo cho rằng, thưởng - phạt thế nào, thưởng bao nhiêu phải được xem xét tùy từng trường hợp cụ thể.

Theo Luật Ngân sách, thu thuế là trách nhiệm của địa phương phải thu đúng, thu đủ. Trong trường hợp vượt thu, cũng có quy định thưởng cho địa phương, đây là cơ chế tốt nhằm khuyến khích các địa phương làm tốt hơn, địa phương chưa tốt thì cố gắng làm tốt.

"Nhưng việc thưởng - phạt phải hết sức cân nhắc, thanh tra rõ ràng. Mức đề xuất dự toán thu ngân sách có đúng, có phù hợp với năng lực của địa phương đó không. Ví dụ địa phương có điều kiện phát triển tốt nhưng lại thu thuế ít thì trường hợp vượt thu sẽ được xem xét thế nào. Có thể được thưởng không?" - ông Thảo phân tích.

Đặc biệt đối với hai tỉnh Bắc Ninh và Quảng Ngãi là hai tỉnh nhận được rất nhiều sự đầu tư từ nhà nước để thu hút nguồn FDI, thì thưởng phải được xem xét thế nào.

“Địa phương có khả năng, có nguồn thu lớn mà lại đưa ra mức thuế chung, hoặc thấp hơn, rồi thu vượt để xin thưởng là bất hợp lý”, ông Thảo nói.

Không đạt mục tiêu thu ngân sách có phạt?

Hai vị ĐBQH đều đồng tình quan điểm, có thưởng ắt phải có phạt. Ông Nam khẳng định lại việc thưởng - phạt phải dựa trên cơ sở của pháp luật. Tại điều 72-73, Chương VII của Luật Ngân sách có quy định rất rõ những hành vi vi phạm pháp luật về ngân sách:

Cụ thể như, hành vi che giấu nguồn thu, trì hoãn hoặc không thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước; nộp chậm các khoản nộp ngân sách…sẽ bị xử lý tùy từng tính chất, mức độ vi phạm. Có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Ông Thảo cũng cho rằng,khi làm tốt được khen, thưởng còn khi không tốt thì có bị phạt không? Các cơ quan chức năng cần phải xem xét, tính toán cho kín kẽ.

Thế nhưng, khi trao đổi với báo Đất Việt, ông Huỳnh Quang Hải - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Bộ Tài chính lại cho biết “việc xem xét thưởng là đúng luật, nhưng nếu hụt thu, thu không đủ lại không bi phạt”.

Lý giải sự ngược đời “thưởng nhưng không phạt” ông Nam phân tích, định mức dự toán ngân sách đối với từng địa phương ngay từ đầu đã được tính toán, thỏa thuận dựa trên căn cứ thống nhất giữa nguồn lực kinh tế của địa phương, tình hình kinh tế thực tiễn và các cơ quan nhà nước.

Hụt thu, phải được xem xét dựa trên nhiều yếu tố, nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Trong trường hợp bất khả kháng thì có thể cân nhắc, tuy nhiên nếu có khả năng thu nhưng không thu, thu không đủ gây thiệt hại cho ngân sách thì người lãnh đạo đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp.

Về xử lý, ở đây chủ yếu xem xét xử lý trách nhiệm người lãnh đạo, cơ quan chuyên môn có thể có những biện pháp như cắt lương, thưởng, luôn chuyển…. Nếu nghiêm trọng hơn nữa sẽ là do Thủ tướng xem xét trên góc độ công chức không làm tròn trách nhiệm.

Theo Lam Lam

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên