MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xây nhà hát, rạp phim: Lãng phí là có tội với dân!

06-06-2014 - 08:38 AM | Xã hội

Hãy trả lời rõ tại sao nhiều cơ sở văn hóa cũ hiện nay không thể hoạt động, hãy trả lời câu hỏi này rồi hãy tính xây mới...

Tại sao các cơ sở cũ không thể hoạt động?

Chia sẻ với chúng tôi bên lề hội trường Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ niềm vui trước thông tin Bộ VHTT&DL vừa đưa ra đề án đầu tư xây mới và trùng đại tu lại 71 nhà hát trên cả nước với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 10 ngàn tỷ đồng.

Đại biểu này cho biết, ông hoan nghênh Chính phủ nếu sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy trong bối cảnh hiện nay để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, văn hóa. Kể cả từ văn hóa quần chúng tới văn hóa nâng cao.

Nhưng, ông cũng yêu cầu ngành văn hóa hãy trả lời câu hỏi: Tại sao hiện nay rất nhiều cơ sở văn hóa cũ đều không thể sáng đèn hàng đêm. Có những nơi ở vị trí đắc địa, hay những công trình có tiếng từ lâu như rạp chiếu phim Quốc gia, rạp Đại Nam, Nhà hát Kim Mã.... đang thoi thóp tồn tại. Thậm chí có nơi còn phải chuyển đổi mục đích sử dụng, cho thuê, bán hàng, cafe... Nếu vậy, xây mới có thể thu hút được không?

"Bộ Văn hóa hãy trả lời được câu hỏi đó rồi hãy tính tới việc xây mới", đại biểu Dương Trung Quốc yêu cầu.

Vấn đề này khiến ông lo ngại trước thực tế mang tính phổ biến "vẽ dự án rồi tính tiền", phổ biến nhà hát, rạp chiếu phim theo đầu dân chẳng khác nào "tính cua trong lỗ". Chẳng đâu xa, đề án đăng cai ASIAD 18 với nguồn kinh phí 150 triệu đôla đã gây tranh cãi gay gắt buộc Bộ Văn hóa phải đàm phán xin rút.

"Đây có lẽ xuất phát từ cơ chế xin cho, cứ đặt gạch có tiền rồi liệu cơm gắp mắm tôi cho rằng đó là tư duy rất nguy hiểm", vị đại biểu này lo lắng.

Ông nhấn mạnh, vấn đề ông nói tới chính là việc cứ xin được là xây, xây chưa xong đã hết tiền, không cần biết có vận hành được không rồi rơi vào tình trạng lãng phí, bỏ hoang.

Ông cho biết, trong bối cảnh kinh tế đất nước hiện nay, nếu không đánh giá được chính xác chúng ta có thật sự cần hay không, cần để làm gì mà vẫn xây mới thêm theo kiểu phổ biến đại trà sẽ dẫn tới tình trạng bỏ hoang, lãng phí, tiêu tốn tiền dân.

Đại biểu này cũng cho rằng, nhà nước chỉ nên bỏ tiền xem xét trùng tu lại những công trình, không gian văn hóa lớn, có lịch sử lâu đời, hoặc là những trung tâm của địa phương như Nhà hát lớn.Đặc biệt, phải trả lại những không gian, cơ sở cho thiếu nhi,đây là phần chúng ta đang thiếu như nhà hát Kim Đồng, nhà hát Hòa Bình...

Còn những sân khấu biểu diễn thì không nên đầu tư, xây dựng. Nhà nước có thể hỗ trợtư nhân đẩy mạnh phát triển tại các trung tâm dân cư, khu đô thị... như vậy sẽ hợp lý hơn.

Lãng phí là có lỗi với dân

Chia sẻ quan điểm, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cũng cho rằng, Bộ Văn hóa phải xem xét lại đầu tư lúc này đã phù hợp chưa, Bộ đã đánh giá kỹ thực tế hiện nay chưa?

Theo bà An, nếu muốn ngành văn hóa phát triển đầu tiên cần phải nâng cao chất lượng thực sự chứ không phải là cải trang hình thức bên ngoài. Điểm yếu của ngành văn hóa hiện nay không nằm ở cơ sở hạ tầng nguy nga, đồ sộ.

Nhất là trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như hiện nay. Do đó bà An đề nghị phải khai thác hết công suất những công trình cơ sở đã có,trên tinh thần chung là giảm chi ngân sách tối đa, nhất là năm 2013 chúng ta đang rơi vào tình trạng bội chi.

Theo đó, bà đề nghị Bộ Văn hóa hãy giải trình rõ đề án đó sẽ thực hiện thế nào, chi thế nào, chi cho việc gì... nếu thuyết phục chắc chắn dư luận sẽ ủng hộ.

Bà An nhấn mạnh,phải tính toán rất kỹ, sử dụng từng đồng tiền của dân phải hiệu quả. Đó là tiền dân đóng thuế, tiền dân lao động.

"Phải đánh giá lại thực tiễn và phải phù hợp với nhu cầu của người dân. Nếu xây ra mà không sử dụng hiệu quả, để lãng phí là có lỗi với dân", bà nói.

Bà An cũng đặt vấn đề trách nhiệm đối với Bộ Văn hóa trong vai trò quản lý nhà nước nhưng lại để xảy ra tình trạng nhiều công trình, cơ sở văn hóa hiện nay bị bỏ hoang, không hoạt động hết công suất gây lãng phí tiền của.

"Không thể để xảy ra tình trạng xây xong rồi bỏ không như vậy là rất lãng phí. Đề nghị ngành văn hóa nên xem lại, đặc biệt trú trọng vào đổi mới nội dung và chất lượng từng lĩnh vực văn hóa chứ không nên chạy theo hình thức như vậy", bà An yêu cầu.

Theo bản "Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030" của Bộ VHTT&DL, tới năm 2030, 71 nhà hát trên cả nước sẽ được đầu tư xây mới và trùng đại tu, ít nhất cũng trên nghìn chỗ.

Tổng số vốn đầu tư giai đoạn 2012-2020 dự kiến là 10.800 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 6.500 tỷ đồng (chiếm 60,2%), còn các nguồn huy động khác 4.300 tỷ đồng (chiếm 39,8%).

>>>Bộ trưởng Bộ VHTT&DL: Xây nhà hát, rạp phim vì... quá thiếu!

Theo Hiếu Lam

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên