MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xây trụ sở: Chớ vung tay quá trán!

20-04-2015 - 11:16 AM | Xã hội

Nhiều tỉnh, thành gấp rút triển khai xây trung tâm hành chính mới với vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng. Mới nhất là tỉnh Hải Dương vừa được Chính phủ đồng ý cho xây trụ sở làm việc với kinh phí khoảng 2.000 tỉ đồng

Một trung tâm hành chính (TTHC) hiện đại, hoành tráng đang được tỉnh Đồng Nai ấp ủ từ 7 năm nay và quyết tâm thực hiện. Với TTHC này, tỉnh sẽ “quy về một mối” 100 đơn vị, sở, ngành với gần 5.200 cán bộ, nhân viên.

Thi nhau xây trụ sở

Dự án được HĐND tỉnh chấp nhận chủ trương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai kết luận chỉ đạo triển khai từ tháng 12-2008. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã phê duyệt đề cương của đề án. Theo đó, dự án dự định thực hiện trên diện tích 20 ha, trong tổng thể khu đô thị mới Tam Phước (xã Tam Phước, TP Biên Hòa). Mô hình TTHC là tòa nhà 2 khối cao 15 tầng, tổng vốn 2.200 tỉ đồng, chia thành 5 giai đoạn, dự tính xây xong vào năm 2025.

Trung tâm hành chính mới của TP Đà Nẵng Ảnh: Hoàng Dũng

Trung tâm hành chính mới của TP Đà Nẵng Ảnh: Hoàng Dũng

Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Định cũng đang giao các sở, ngành tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc TTHC - Chính trị tỉnh Bình Định. Đến cuối năm nay, sau khi có phương án kiến trúc phù hợp, tỉnh sẽ tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế kỹ thuật và dự kiến triển khai xây dựng sau năm 2016. Quy mô trung tâm trên 10 tầng, kinh phí tạm tính 400 tỉ đồng, sử dụng từ nguồn bán đất, trụ sở của các sở, ban, ngành và một phần từ ngân sách tỉnh.

Tỉnh Khánh Hòa cũng đang triển khai dự án khu đô thị TTHC mới. Theo quy hoạch 1/2.000, dự án triển khai trên diện tích khoảng 700 ha, trong đó có 400 ha là rừng ngập mặn, hồ nước điều hòa và 126 ha làm TTHC mới, tập trung 101 đơn vị của 5 khối cơ quan. Tổng giá trị đầu tư của dự án khoảng 7.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2017-2018.

Để có tiền thực hiện dự án, từ tháng 9-2014, UBND tỉnh Khánh Hòa ký hợp đồng ký quỹ 100 tỉ đồng với Tập đoàn FLC. Hợp đồng ký kết theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), trong đó Tập đoàn FLC có trách nhiệm xây dựng khu đô thị TTHC mới ở phía Tây TP Nha Trang, đổi lại được giao các “khu đất vàng” đối diện bờ biển Nha Trang đang là trụ sở của 5 khối cơ quan hành chính.

Ngoài ra, các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Hà Tĩnh... cũng đã và đang xúc tiến xây TTHC với kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng.

Băn khoăn hiệu quả

Câu hỏi được đặt ra là việc xây trụ sở làm việc to sử dụng nguồn vốn đầu tư quá lớn có thực sự cần thiết, nhất là đối với các địa phương còn nghèo? Ông Nguyễn Thành Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, cho biết việc xây TTHC mới tỉnh Đồng Nai là phù hợp định hướng phát triển không gian đô thị với quy hoạch cấp vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với việc xây dựng TTHC mới, UBND tỉnh Bình Định khẳng định dự án này đáp ứng mục tiêu cải cách hành chính. Ông Nguyễn Thành Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, nhìn nhận: “Ngoài chuyện tiết kiệm cho ngân sách, thuận lợi cho công tác quản lý chung của tỉnh, trung tâm còn tạo môi trường thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong việc liên hệ giải quyết công việc”.

TTHC mới của tỉnh Bình Dương (cao 104 m, gồm 20 tầng lầu, 2 tầng để xe, tầng kỹ thuật và bãi đáp trực thăng) được đưa vào sử dụng năm 2014, tổng đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng. Trả lời câu hỏi về việc xây TTHC lớn như trên có phí so với nhu cầu thực tế, ông Trần Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - khẳng định: “Đâu có phí, có nhiều cái thuận lợi lắm! Ví dụ như cần triệu tập hội họp, làm việc gấp thì rất nhanh, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Chúng tôi đã bố trí khu hành chính mở một cửa, lợi cho người dân đến liên hệ giải quyết công việc. Người dân tỏ ra rất hài lòng”.

Cũng theo ông Liêm, việc xây trụ sở không nhắm đến việc lấy ngân sách, thay vào đó là đấu giá bán một số trụ sở cũ không có nhu cầu sử dụng để lấy tiền trả.

TP Đà Nẵng là địa phương có TTHC to nhất các tỉnh miền Trung mới khánh thành từ 6 tháng qua. Lãnh đạo TP khẳng định việc xây dựng trung tâm là cần thiết để thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa”. Hiện 24 sở, ban, ngành và UBND TP Đà Nẵng với khoảng hơn 1.500 cán bộ, công chức được tập trung về đây làm việc.

“Từ khi đi vào hoạt động, tính tương tác trong lĩnh vực hành chính của TP được nâng cao, giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tiếp cận dễ dàng hơn với một nền quản lý hành chính công thân thiện” - ông Võ Văn Thương, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, nói. Về kinh phí đầu tư xây dựng 1.981 tỉ đồng, ông Thương cho biết thêm một phần cân đối từ ngân sách, phần lớn là bán đất của 18 trụ sở của các sở, ban, ngành.

Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia:

Nên làm nhưng phải tính kỹ

Đi ra nước ngoài nhiều, tôi nhận thấy cơ sở vật chất của nước ta còn èo uột lắm. Do đó, bộ mặt hành chính của các tỉnh, thành cần thay đổi với diện mạo to đẹp hơn, nếu cân đối được ngân sách thì nên làm. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng với quy mô như thế nào cần phải thực hiện theo hướng “liệu cơm gắp mắm”, phải tính toán kỹ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng rút ruột công trình, lãng phí và kém hiệu quả.

Th.Thơ

 

Ông Bùi Đức Thụ, ỦY viên Thường trực ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:

Nguồn tiền nào cũng là ngân sách!

Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào trước việc nhiều tỉnh, thành xây dựng TTHC với kinh phí hàng ngàn tỉ đồng?

 

- Ông Bùi Đức Thụ: Việc xây TTHC tập trung là rất cần thiết nhưng việc này cần bám sát tình hình nợ công của đất nước đang “sát trần”. Nghị quyết của Quốc hội về quản lý điều hành ngân sách năm 2015 nói rõ phải triệt để tiết kiệm, hạn chế việc chi tiêu chưa thật cần thiết, không cấp bách như mua sắm ô tô sang, khánh tiết, lễ hội, khởi công, đặc biệt hạn chế tối đa việc xây trụ sở mới.

Nhiều địa phương viện dẫn không sử dụng vốn ngân sách mà từ việc bán trụ sở cũ?

- Vừa qua có nhiều nơi lập luận là sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách như vay tín dụng, bán quyền sử dụng đất và tài sản trên đất... Nhưng theo tôi, thực chất đó vẫn là vốn ngân sách. Còn việc bán trụ sở cũ cũng là bán tài sản nhà nước nên đây vẫn là nguồn thu ngân sách. Vì thế, cơ quan thẩm quyền phải xem xét thật kỹ, tránh việc lợi dụng ngân sách để xây trụ sở quá lớn so với nhu cần thực.

Có ý kiến lo ngại các địa phương xây trụ sở to là để phô trương, xuất phát từ “tư duy nhiệm kỳ”?

- “Chủ nghĩa hoành tráng” không chỉ hiện diện trong việc xây trụ sở mà lan rộng ở mọi lĩnh vực, cùng với tư duy nhiệm kỳ “phải để lại dấu ấn trong thời gian lãnh đạo”. Vì thế mới có chuyện tỉnh này có sân bay, tỉnh bên cạnh cũng phải có. Anh có cảng, tôi cũng phải có cảng. Anh có bệnh viện lớn thì tôi phải có bệnh viện vùng.

Nên nhớ rằng trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nhất là ngân sách hạn hẹp, tình hình nợ công cao thì các ngành, địa phương cần tuân thủ nguyên tắc tối cao là triệt để tiết kiệm, ý thức được rằng tiêu 1 đồng, 1 xu là tiêu vào tiền đóng góp của dân.

Thế Dũng thực hiện

Theo NHÓM PHÓNG VIÊN

PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên