MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thời tay trắng ít người biết của 4 tỷ phú Việt

14-10-2022 - 10:30 AM | Doanh nghiệp

Dù không có nền tảng kinh tế vững chắc nhưng những doanh nhân này đã vươn lên thành tỷ phú từ đôi bàn tay trắng.

Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - là tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới do tạp chí Forbes (Mỹ) công bố. Theo Forbes, hiện tổng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng ước tính khoảng 6,2 tỷ USD, xếp hạng thứ 411 những người giàu nhất thế giới.

Thời tay trắng ít người biết của 4 tỷ phú Việt - Ảnh 1.

Ông Phạm Nhật Vượng

Ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968, quê gốc ở Can Lộc (Hà Tĩnh), nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Ông bắt đầu bước ngoặt lớn nhất cuộc đời mình vào năm 1987, khi thi đỗ Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội và được chọn sang Nga du học.

Con đường kinh doanh của ông Phạm Nhật Vượng khởi đầu từ đây với những gói mì ăn liền. Sau mì gói thương hiệu Mivina là bột canh và các sản phẩm gia vị, đồ ăn nhanh…Nhờ thế, ông Vượng đã được vinh danh là “Người sáng lập thị trường thức ăn nhanh” tại Ukraine. Tập đoàn Technocom do ông thành lập năm 1993 đã liên tục mở thêm nhà máy và không ngừng khuếch trương quy mô.

Năm 2000, song song với việc điều hành công việc kinh doanh ở Ukraine, ông Vượng mở hai công ty tại Việt Nam. Ông bắt đầu thu lợi nhuận từ các doanh nghiệp Ukraine đầu tư bất động sản ở Việt Nam sau khi thành lập Vinpearl năm 2000 và Vingroup vào năm 2002.

Trong mảng bất động sản, năm 2021, Vinhomes, thành viên của Vingroup, đạt hơn 39.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, mức cao kỷ lục của công ty này và thị trường chứng khoán. Hệ thống nghỉ dưỡng du lịch Vinpearl có 18.500 phòng sau khi chịu ảnh hưởng do đại dịch đã mở cửa đón du khách quốc tế từ ngày 19/3.

Trong lĩnh vực kinh doanh, Vingroup tiếp tục tái cơ cấu hoạt động. Tại triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES) 2022 ở Mỹ, VinFast công bố tầm nhìn trở thành hãng xe điện 100% vào cuối năm 2022. Thành lập năm 2017, tính đến cuối năm 2021, VinFast bàn giao khoảng 72.000 xe xăng cho khách hàng. Tập trung nguồn lực cho chiến lược phát triển ô tô điện, VinFast xây dựng mô hình cho thuê pin tại các thị trường. Tại Việt Nam, VinFast đặt kế hoạch xây dựng 150.000 cổng sạc với 3.000 trạm sạc điện. Tại Mỹ, cuối tháng 3/2022, VinFast khởi công xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện với vốn đầu tư 4 tỷ USD.

Ông Trần Bá Dương là một tỷ phú xuất thân trong một gia đình 8 anh chị em tại Huế. Người con trai thứ 5 trong gia đình tốt nghiệp Kỹ sư Cơ Khí (ĐH Bách Khoa TP.HCM) vào năm 23 tuổi (1983).

Thời tay trắng ít người biết của 4 tỷ phú Việt - Ảnh 2.

Ông Trần Bá Dương

Từ một kỹ thuật viên xưởng sửa chữa nhà máy đại tu ô tô Đồng Nai, đến năm 1997 ông vươn lên trở thành Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn ô tô Trường Hải. Rồi sau đó lần lượt là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải và Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Đại Quang Minh.

Ông Trần Bá Dương lọt vào danh sách tỷ phú thế giới từ năm 2018. Trong danh sách này năm 2022, Chủ tịch Thaco đứng thứ 1.818 với tài sản 1,6 tỷ USD.

Ông Dương sáng lập và là Chủ tịch của Trường Hải, một trong các tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Năm 2021, tập đoàn tái cấu trúc với 6 mảng hoạt động: ô tô; nông nghiệp; bất động sản, xây dựng; cơ khí, công nghiệp hỗ trợ; logistics, thương mại dịch vụ.

Hiện tại, ô tô là ngành nghề kinh doanh chủ lực của tập đoàn này trong suốt hơn hai thập niên với việc lắp ráp, nhập khẩu, phân phối và dịch vụ sửa chữa cho nhiều thương hiệu như KIA, Mazda, Peugeot, BMW, Foton, Mitsubishi Fuso. Trường Hải cũng sản xuất, lắp ráp xe buýt và xe tải thương hiệu Thaco với tỉ lệ nội địa hóa 35 - 45% đối với xe tải và 60% với xe buýt. Năm 2021, chỉ riêng hai thương hiệu KIA, Mazda, Trường Hải đã bán được gần 73.000 xe, xếp trên Hyundai (70.518 xe) và Toyota (67.533 xe).

Nhánh kinh doanh nông nghiệp của Trường Hải được thành lập năm 2019 nhưng hiện đã trở thành một trong các nhà đầu tư tư nhân lớn nhất nước trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Tổng diện tích đất nông nghiệp công ty này đang khai thác khoảng 48.500 héc ta tại Tây Nguyên và Campuchia trồng cây ăn trái và chăn nuôi. Tham gia tái cấu trúc HAGL Agricuture, công ty nông nghiệp từng thuộc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Trường Hải đang sở hữu 27,63% cổ phần, gần 10% được nắm giữ bởi các cá nhân và tổ chức liên quan khác – nhóm cổ đông lớn nhất tại công ty niêm yết này.

Các hoạt động kinh doanh nổi bật khác của Trường Hải bao gồm: chủ đầu tư dự án Sala tại Thủ Thiêm thông qua công ty địa ốc Đại Quang Minh, chủ đầu tư khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam). Năm 2021, công ty mua lại siêu thị Emart của tập đoàn Hàn Quốc để phát triển siêu thị bán lẻ hiện đại.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát - sinh năm 1961 tại Hải Dương, là một tỷ phú xuất thân từ miền quê nghèo khó. Với trí thông minh và khát khao làm giàu, ông từng bôn ba khắp trong ngoài nước.

Thời tay trắng ít người biết của 4 tỷ phú Việt - Ảnh 3.

Ông Trần Đình Long

Xuất thân nghèo khó cùng bản tính “nói ít làm nhiều”, Trần Đình Long tỏ ra là một người rắn rỏi với bản lĩnh “cứng” và khá kín tiếng trên thương trường. Người ta thường chỉ được gặp ông mỗi năm một lần vào mỗi dịp Đại hội cổ đông.

Trong mắt người Việt Nam, ông Trần Đình Long là một doanh nhân, tỷ phú USD, là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và là “VUA” thép của thị trường Việt Nam.

Trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới năm 2022 của Forbes, Chủ tịch Hòa Phát xếp thứ 951 với tài sản 3,2 tỉ USD.

Năm 2021, Hòa Phát ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục khi giá thép xây dựng tăng mạnh trong ba quý đầu năm và khu liên hợp Dung Quất – Hòa Phát giai đoạn 1 vận hành hết công suất. Kết quả, Hòa Phát lần đầu cán mốc lợi nhuận ròng 34.520 tỷ đồng tăng 1,56 lần so với năm trước. Sản lượng thép thành phẩm tập đoàn cung cấp ra thị trường đạt 8,8 triệu tấn, tăng 35%. Với quy mô công suất hơn 8 triệu tấn/năm, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam và nằm trong top 50 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Năm 2022, tập đoàn này triển khai dự án khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có công suất 5,6 triệu tấn/năm. Trung tuần tháng 3.2022, tám ngân hàng trong nước đã ký kết thỏa thuận tài trợ vốn cho Hòa Phát vay 35 ngàn tỉ đồng để thực hiện dự án Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2 có vốn đầu tư 85 ngàn tỉ đồng.

Hòa Phát cũng tiếp tục phát triển theo chiều sâu cho lĩnh vực cốt lõi với việc mua lại mỏ sắt tại Úc giữa năm 2021, dần tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào. Quý 4/2021, Hòa Phát đã khởi công nhà máy sản xuất vỏ container tại Vũng Tàu với công suất 500.000 TEU/ năm, tập trung vào các sản phẩm container phổ biến có chiều dài 20 – 40 feet. Dự kiến sản phẩm container sẽ được đưa ra thị trường vào cuối năm 2022, tiêu thụ khoảng một triệu tấn thép HRC do Hòa Phát sản xuất.

Hòa Phát cũng thành lập công ty bất động sản, triển khai các dự án chuyên nghiệp đang trong giai đoạn mở rộng quỹ đất tại các địa phương.

Chủ tịch Hòa Phát dẫn dắt công ty theo triết lý kinh doanh “xe lu” nổi tiếng: đi đường thẳng, đi giữa đường, tiến lên chậm và đi một cách chắc chắn để cán đích. Ông Long lần đầu đứng trong danh sách tỉ phú thế giới của Forbes năm 2018 và chỉ một lần ra khỏi danh sách vào năm 2019.

Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) là Chủ tịch Hoàng Anh - Gia Lai. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em, cậu bé Đoàn Nguyên Đức ngày ngày dắt trâu ra đồng, thả ước mơ vào bãi ngô xanh và cánh diều no gió. Những năm tháng này đã khiến cho Đoàn Nguyên Đức nuôi quyết tâm thoát nghèo.

Thời tay trắng ít người biết của 4 tỷ phú Việt - Ảnh 4.

Ông Đoàn Nguyên Đức

Khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng mộc nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã, ông Đức dần mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác.

Năm 1993, ông thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Đến năm 2006, nó trở thành Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá. Công ty bắt đầu niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào năm 2008 với mã HAG.

Đến hiện tại, ông Đoàn Nguyên Đức giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) với tổng tài sản ước tính hơn 3.500 tỷ đồng.

Theo Hạo Nhiên/VTC

VTCnews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên