Thống đốc Lê Minh Hưng: Dự trữ ngoại hối đã xấp xỉ 52 tỷ USD
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết tính tới thời điểm này tổng dự trữ ngoại hối Nhà nước đã xấp xỉ 52 tỷ USD. Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua khoảng 13 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
- 27-12-2017Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Tín dụng năm 2017 tăng khoảng 19%, dự trữ ngoại hối cao kỷ lục 51,5 tỷ USD
- 22-12-2017Mua thêm 7 tỉ USD, dự trữ ngoại hối lập kỷ lục mới
- 16-11-2017Thống đốc Lê Minh Hưng: Từ đầu kỳ họp Quốc hội tới nay, dự trữ ngoại hối đã tăng thêm 1 tỷ USD
Hàng giả, hàng kém chất lượng còn phổ biến
Tại hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 29/12, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết xuất khẩu với mức tăng trưởng cao chính là điểm sáng của năm 2017.
Tổng kim ngạch năm 2017 đạt 425 tỷ USD , riêng xuất khẩu là 213,77 tỷ USD tăng 21,1% và gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.
Đã có 29 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng 3 thị trường so với năm 2016, trong đó xuất khẩu doanh nghiệp trong nước tăng 16,5% so với mức 4% năm ngoái.
“Việt Nam đã khai thác thành công các hiệp định tự do thương mại song phương với các đối tác như EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, ASEAN giúp xuất khẩu tăng cao”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Không chỉ đạt được hàng loạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu mà theo Bộ trưởng, chúng ta còn kiểm soát nhập siêu. Các ngành hàng tăng trưởng theo cả chiều rộng và sâu và mang lại kết quả cho doanh nghiệp trong nước.
“Năm 2017, thương mại thế giới xuất hiện nhiều biểu hiện mới của bảo hộ mậu dịch và thương mại song phương. Tuy nhiên, các hoạt động tiếp xúc song phương, đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các đối tác lớn giúp chúng ta vượt trở ngại”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Sang năm 2018, Bộ trưởng Công thương cho rằng cần tiếp tục đà phát triển của năm 2017. Cần tổ chức tốt hơn nữa việc cải cách hành chính, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở cả trung ương và địa phương.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết năm tới công tác quản lý thị trường cần được đẩy mạnh trong cả nước. Nhìn lại năm 2017, người đứng đầu ngành công thương thừa nhận tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng còn tương đối phổ biến ở Việt Nam.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết năm 2017 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về thiên tai. thiệt hại đã lên tới gần 60.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó thị trường đầu ra cũng gặp khó khăn nhất định song theo Bộ trưởng Cường, ngành nông nghiệp đã về đích ngoạn mục với mức tăng trưởng đạt 2,94%, xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn ngành đạt con số 36,37 tỷ USD. “Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Ông Cường cho biết thêm, trong năm 2017, đã có 1.955 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, tăng 3,8% so với năm 2016, nâng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành lên khoảng 5.661.
“Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính và đã đầu tư hàng tỷ USD, đạt được những thành công rõ rệt”, ông Cường nói.
Dự trữ ngoại hối xấp xỉ 52 tỷ USD
Báo cáo tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết tính tới thời điểm này tổng dự trữ ngoại hối Nhà nước đã xấp xỉ 52 tỷ USD. Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua khoảng 13 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trong năm 2017 mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,5 - 1%, trong đó lãi vay ngắn hạn tại nhiều tổ chức tín dụng quanh mức 4-5% một năm với khách hàng tốt... đã giúp giảm chi phí kinh doanh cho nền kinh tế.
Ông Hưng cũng khẳng định vốn tín dụng vào các ngành nghề như bất động sản được kiểm soát chặt chẽ. Thay vào đó chủ yếu được rót vào một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh...
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thu ngân sách địa phương năm 2017 đã vượt 12,9% dự toán, tương đương khoảng 60.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Dũng cho biết chi ngân sách đã tiếp tục theo hướng cơ cấu lại, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, thực hiện nguyên tắc thị trường như khoán chi phí, khoán xe công, từng bước chi đúng chi đủ theo giá dịch vụ…
“Có thể nói, tình hình nợ công đã bớt áp lực hơn nhiều so với những năm trước đây. Lúc này, chúng ta có đủ bản lĩnh và điều kiện để từ chối các khoản vay nợ lãi suất cao”, ông Dũng nói.
Do vậy người đứng đầu Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ, địa phương thận trọng hơn khi đề xuất vay. Đồng thời tăng cường quản lý hiệu quả sử dụng vốn để giảm thiểu chi phí vay.
BizLive