Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga hé lộ lệnh trừng phạt 'đau đớn' nhất
Người đứng đầu Ngân hàng trung ương Nga mới đây đã chia sẻ về lệnh trừng phạt “đau đớn” nhất phương Tây áp đặt lên Moskva kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
- 26-12-2023Bí mật của ngành công nghiệp hạt nhân Nga
- 25-12-2023Nhà máy Nga đóng thêm 3 tàu ngầm hạt nhân 'nguy hiểm nhất thế giới'
- 25-12-2023Nga đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng
- 25-12-2023Tàu phá băng hạt nhân của Nga cháy trên biển
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Elvira Nabiullina ngày 25/12 cho biết Moskva đã đã chuẩn bị cho nguy cơ phương Tây áp đặt hạn chế kể từ năm 2014.
Kênh RT (Nga) dẫn lời Thống đốc Elvira Nabiullina tiết lộ rằng việc tịch thu tài sản của Nga, bao gồm tiền của hàng triệu nhà đầu tư tư nhân và hạn chế thanh toán quốc tế là những biện pháp trừng phạt “đau đớn” nhất mà các nước phương Tây áp đặt lên Nga kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Bà Nabiullina nói rằng cơ quan quản lý đã đánh giá rủi ro của các lệnh trừng phạt kể từ năm 2014 và chuẩn bị sẵn sàng. Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt đợt hạn chế đầu tiên sau khi Crimea sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu ý dân năm 2014.
“Các ngân hàng lớn phần lớn đã chuẩn bị cho điều này. Việc ngắt kết nối với SWIFT vốn là nguy cơ kể từ năm 2014, vì vậy họ đang xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán quốc gia. Chúng tôi đã đa dạng hóa dự trữ của mình và tăng tỷ trọng đồng nhân dân tệ cùng vàng”, Thống đốc Nabiullina cho biết.
Chính phủ các nước phương Tây đã đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại hối của Nga và loại các ngân hàng nước này ra khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). Vai trò trung tâm của SWIFT trong lĩnh vực ngân hàng quốc tế thường được so sánh với Gmail trong lĩnh vực thư điện tử.
Ngoài ra, các lệnh trừng phạt tài chính phương Tây áp đặt lên Nga còn bao gồm cấm Nga trả nợ bằng USD, đóng băng tài sản của Nga được giữ ở nước ngoài và loại bỏ Visa cùng MasterCard khỏi nước này. Các lệnh trừng phạt đã tước đi khả năng thực hiện giao dịch quốc tế của Nga bằng đồng USD và euro.
Thống đốc Nabiullina nói: “Chúng tôi có thể ứng phó với hầu hết các thách thức liên quan đến lĩnh vực tài chính. Nhưng cũng có những vấn đề trong lĩnh vực này chưa được giải quyết triệt để, trong đó có thanh toán xuyên biên giới. Đúng, chuỗi cung ứng đang được xây dựng, chúng liên tục thay đổi, nhưng đây vẫn là vấn đề đối với nhiều doanh nghiệp”.
Bà Nabiullina cho rằng việc các nước phương Tây đóng băng tài sản của Nga là một tín hiệu “rất tiêu cực” đối với các ngân hàng trung ương trên toàn cầu bởi nó “vi phạm các nguyên tắc cơ bản về an ninh dự trữ”. Bà bổ sung: “Hàng triệu người không nằm trong nhóm chịu trừng phạt đã bị đóng băng tài sản. Đây là một vấn đề rất nhức nhối”.
Ước tính khoảng 260 tỷ euro (285 tỷ USD) tài sản của ngân hàng trung ương Nga đã bị giữ lại ở các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), EU và Australia sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát năm 2022.
Trên hết, tài sản của khoảng 5 triệu nhà đầu tư tư nhân Nga đã bị phong tỏa trong tài khoản của các tổ chức tài chính quốc tế. Tính đến tháng 7/2022, giá trị chứng khoán bị phong tỏa trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân Nga lên tới 3,4 tỷ USD.
Báo Tin tức