Thống đốc NHNN: Đã chỉ đạo các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào bất động sản, chứng khoán
Thời gian qua, nhiều người dân, doanh nghiệp đã gia tăng đầu tư chứng khoán, bất động sản. NHNN cho rằng, việc giám sát rủi ro các thị trường này thuộc phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành. Với riêng ngành ngân hàng, NHNN đã chỉ đạo kiểm soát chặt tín dụng đối với các lĩnh vực này.
- 31-08-2021TS Nguyễn Trí Hiếu: Nguy cơ vỡ "bom nợ" trái phiếu, đặc biệt ở nhóm bất động sản
- 27-08-2021Nhiều ngân hàng siết cho vay kinh doanh bất động sản
- 22-08-2021Thiếu dòng tiền, doanh nghiệp bất động sản lo sẽ "chết" trên đống tài sản
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có văn bản giải trình ý kiến của Đại biểu quốc hội Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV.
Cụ thể, tại phiên thảo luận tại ngày 25/7/2021, ĐBQH Hà Sỹ Đồng đã có ý kiến về hoạt động của ngành ngân hàng: "Về chính sách tiền tệ, việc dòng vốn đang bị phân tán mạnh vào những kênh thu hút vốn khác ngoài ngân hàng là chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các sản phẩm liên kết, bảo hiểm, đầu tư, quỹ hưu trí của các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư đang gây ra những méo mó, sai lệch, mất cân bằng tài chính, đã có những cảnh báo từ các cơ quan nhà nước phụ trách. Tuy nhiên, vai trò, trách nhiệm của NHNN trong việc hóa giải rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ là rất lớn".
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong chỉ đạo, điều hành CSTT, tín dụng, NHNN thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản (BĐS), chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông.
Nhờ đó tín dụng tăng trưởng hợp lý, hiệu quả, chất lượng tín dụng và an toàn hệ thống được nâng cao; tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng của tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro giảm dần qua các năm. Trong đó, tỷ trọng tín dụng đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ (0,5%) trong tổng dư nợ nền kinh tế; tăng trưởng tín dụng BĐS giảm dần và tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng là nhu cầu thiết yếu của người dân và nền kinh tế (chiếm hơn 60% dư nợ BĐS). Bên cạnh đó, NHNN thường xuyên tăng cường thanh tra, giám sát, chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động và kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Những tháng đầu năm 2021 vừa qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh , giá BĐS tăng cao nhất là giá đất nền ở địa phương có thông tin quy hoạch đô thị, giao thông, hạ tầng hoặc điều chỉnh tăng giá đất... Diễn biến này có nhiều nguyên nhân, một phần do đại dịch Covid-19 khiến triển vọng kinh tế khó khăn, mặt bằng lãi suất huy động ngân hàng giảm, nhiều doanh nghiệp, người dân có nguồn tiền nhưng thiếu cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh nên gia tăng đầu tư chứng khoán, BĐS.
Xu hướng này tương đồng với diễn biến chung trên thế giới một năm qua, trước bối cảnh triển vọng kinh tế khó lường, lãi suất ngân hàng giảm mạnh (nhiều nước áp dụng lãi suất âm), thị trường chứng khoán, BĐS đã tăng mạnh tại nhiều nước (Mỹ, Anh, Úc, Canada, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc)...
Việc giám sát rủi ro các thị trường này thuộc phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành. Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành liên quan (Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên, môi trường) phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường giám sát, quản lý và cảnh báo rủi ro, thông báo công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất; phát hiện, ngăn chặn, răn đe, xử phạt nghiêm các hành vi thao túng, đầu cơ tăng giá; đẩy mạnh nguồn cung BĐS...
Về phía ngành ngân hàng, từ đầu năm 2021, NHNN đã chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đề cập trên đây; do đó, tín dụng các lĩnh vực này trong tầm kiểm soát.
Với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thời gian tới NHNN tiếp tục điều hành hoạt động tín dụng an toàn, lành mạnh, hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, tăng cường giám sát hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chỉ đạo TCTD mở rộng quy mô tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.