Thống kê 5 năm gần nhất: Cổ phiếu ngân hàng thường tăng giá dịp cuối năm, tỷ suất trung bình 10,2%
Khoảng thời gian từ ngày 15/12 năm trước đến 15/01 năm sau thường là giai đoạn tăng điểm của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Agriseco cho rằng trong giai đoạn cuối năm nay cũng có nhiều yếu tố hỗ trợ thuận lợi đà tăng giá của nhóm ngân hàng.
- 16-12-2021"Nợ xấu không tệ như mọi người nghĩ, cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng trở lại khi xuất hiện những câu chuyện mới"
- 16-12-2021Nhà đầu tư thận trọng với cổ phiếu ngân hàng
- 15-12-2021TPB, VIB, MSB tăng mạnh nhất dòng ngân hàng, VPB bị khối ngoại bán ròng thêm 10 triệu cổ phiếu
Thống kê của Chứng khoán Agribank (Agriseco) chỉ ra tính chu kỳ khá rõ nét tại một số nhóm cổ phiếu. Theo đó, trong khoảng thời gian 1 tháng (từ ngày 15/12 năm trước tới ngày 15/1 năm sau), thường là giai đoạn tăng điểm của nhiều nhóm cổ phiếu trong đó có ngành ngân hàng.
Số liệu của Agriseco cho thấy nhóm ngân hàng ghi nhận tỷ suất trung bình trong 5 năm qua là 10,2%, cao thứ hai thị trường chỉ sau khối dịch vụ tài chính và gấp gần 2 lần mức tăng của Vn-Index. Trong đó, 2018 là năm duy nhất cổ phiếu ngân hàng có tỷ suất sinh lời âm trong giai đoạn 15/12 năm trước – 15/1 năm sau.
Agriseco cho rằng trong giai đoạn cuối năm nay cũng có nhiều yếu tố hỗ trợ thuận lợi đà tăng giá của nhóm ngân hàng.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng kỳ vọng phục hồi trong quý 4 và năm 2022 nhờ các hoạt động kinh tế dần lại bình thường. Theo dõi từ Agriseco, tín dụng đã có dấu hiệu tăng trở lại vào tháng 10 khi chỉ trong 3 tuần cuối tháng, tổng tín dụng đã tăng tích cực 1,28% so với tốc độ trung bình khoảng 0,48%/tháng trong quý 3 và 1,07%/tháng trong 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Theo Agrico, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của các ngân hàng tăng trong quý 3 có thể gây áp lực tăng nợ xấu trong tương lai. Tuy nhiên, các ngân hàng đã chủ động đẩy mạnh trích lập dự phòng lên mức cao kỷ lục, đồng thời thị trường bất động sản (TSĐB chính của các ngân hàng) duy trì mặt bằng giá và thanh khoản tích cực sẽ là những điều kiện thuận lợi để các ngân hàng xử lý nợ trong trường hợp xấu.
Mặt khác, trước diễn biến thị trường thuận lợi, nhiều ngân hàng đã và đang có kế hoạch phát hành tăng vốn trong thời gian tới. Agriseco cho rằng việc tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ hoặc phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ giúp các ngân hàng gia tăng vốn chủ sở hữu, từ đó cải thiện hệ số an toàn vốn CAR và tăng trưởng kinh doanh trong dài hạn.
Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư.
Đánh giá về triển vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng, Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, sau đợt điều chỉnh trong quý 3/2021 do đợt dịch thứ 4, giá cổ phiếu ngành ngân hàng có sự hồi phục và giảm nhẹ trong thời gian gần đây do các thông tin liên quan đến biến thể Omicron ở Châu Phi. Tuy nhiên, ACBSC nhận định diễn biến này không quá đáng lo ngại do các nước đã có những hành động sớm và độ phủ vắc xin ở Việt Nam đã ở mức cao.
Tại thời điểm đầu tháng 12, giá cổ phiếu ngành ngân hàng được giao dịch ở mức P/E và P/B lần lượt là 13,1 lần và 2,3 lần, cao hơn một chút so với P/e và P/B trung bình lịch sử 5 năm là 12,7 và 2 lần. Do đó, ACBS cho rằng động lực tăng giá cổ phiếu sẽ phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của từng ngân hàng trong thời gian tới.
Trong báo cáo mới được công bố, Dragon Capital cho rằng việc thị trường điều chỉnh gần đây mang trạng thái thận trọng hơn là hoảng sợ.
Theo Dragon Capital, ngành Ngân hàng (triển vọng nới room Ngoại) và ngành Bán Lẻ (do nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén) dự kiến sẽ là 2 nhóm ngành chủ đạo của những tháng tới.
Phân tích sâu hơn, bà Phạm Thùy Dương – Phó Giám đốc Bộ phận phân tích, Quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết, nhóm cổ phiếu ngân hàng có đà tăng trưởng mạnh mẽ năm 2021 chủ yếu nhờ tăng trưởng lợi nhuận nửa đầu năm rất cao. Trong quý 3/2021 dù giãn cách nhưng lợi nhuận nhóm này vẫn có đà tăng trưởng ổn định.
Về vấn đề nợ xấu, nhiều nhà đầu tư lo lắng cũng là điều hợp lý. Tuy nhiên, ở góc độ đầu tư cơ bản, giá trị, đại diện Dragon Capital cho rằng việc này không tệ như mọi người nghĩ. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% cuối năm 2020 lên 1,91% cuối quý 3. Trong điều kiện Covid, đà tăng của nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát.
Về dư nợ tái cơ cấu nợ là khoảng 2,6% tổng dư nợ vào cuối tháng 9/2021, thấp hơn nhiều so với 3,9% cuối năm 2020.
Thêm nữa, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đang ở mức kỷ lục và trung bình cao khu vực, tại một số ngân hàng top đầu còn lên trên 200%.
"Nếu không xảy ra giãn cách diện rộng nữa thì khó ảnh hưởng tới lợi nhuận năm 2022. Lợi nhuận có thể đến từ tăng trưởng tín dụng tăng mạnh mẽ trở lại. Cuối tháng 12, nhiều ngân hàng xin thêm room tín dụng, đây sẽ là động lực lợi nhuận cho ngân hàng, đặc biệt là tín dụng mảng bán lẻ",
Dragon Capital khá tự tin với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sắp tới cho cả quý 4/2021 và năm 2022. Chính vì vậy, ở Dragon Capital hiện nay đang phân bổ đầu tư cho nhóm ngành ngân hàng cao hơn tỷ trọng của nhóm ngân hàng trong VN Index.