MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tin cá nhân khách hàng đáng giá bao nhiêu mà khiến Facebook khốn đốn suốt bao ngày qua?

02-04-2018 - 10:39 AM | Tài chính quốc tế

Liên tục bị chất vấn, phải ra giải trình trước quốc hội, giá cổ phiếu sụt giảm... đều là những rắc rối mà Facebook phải đối mặt khi lỡ để lộ thông tin cá nhân của khách hàng. Vậy thông tin cá nhân đáng giá bao nhiêu mà khiến Facebook khốn đốn đến vậy?

Trong những ngày qua, vụ việc Facebook để lộ thông tin cá nhân của người dùng đã khiến công ty này lâm vào tình cảnh khó khăn hơn bao giờ hết. Cổ phiếu Facebook liên tục giảm khiến các nhà đầu tư thiệt hại hàng chục tỷ USD, các cơ quan chức năng yêu cầu giải trình về vụ việc, người dùng thi nhau xóa facebook để biểu lộ sự phản đối...

Vậy thông tin cá nhân của khách hàng quan trọng như thế nào? Giá trị của nó ra sao mà lại khiến Mark Zuckerberg khổ sở suốt những ngày qua đến vậy?

Thực tế thì việc đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng đã là một vấn nạn tồn tại từ những ngày đầu khi Internet xuất hiên và được phổ cập trên toàn thế giới. Các thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp và sau đó được trao đổi, mua bán một cách nhộn nhịp trên thị trường Dark Web (web ngầm). Tại đây, gần như mọi thông tin cá nhân của bất cứ ai cũng đều có thể được định giá.

Giá trị của thông tin cá nhân

Theo con số báo cáo từ công ty thống kê dữ liệu Experian, trên thị trường chợ đen của Dark Web, có rất nhiều loại thông tin cá nhân được rao bán và chúng có giá từ 1 đến 2.000 USD. Mức giá của chúng được phụ thuộc vào độ tin cậy của thông tin và hiệu quả sử dụng của chúng.

Giá trị thấp nhất là số an sinh xã hội có giá chỉ khoảng 1 USD, những thông tin có giá trị sử dụng cao như số thẻ tín dụng, số hộ chiếu... sẽ được rao bán với giá hàng trăm, thậm chí hàng ngàn USD.

Thông tin cá nhân khách hàng đáng giá bao nhiêu mà khiến Facebook khốn đốn suốt bao ngày qua? - Ảnh 1.

Ngoài ra thì dữ liệu thông tin tài khoản mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter có giá khoảng từ 1-5 USD.

Bên cạnh đó, dữ liệu mạng xã hội như Facebook, Instagram, Uber, Twitter có giá lần lượt là 5, 1, 7 và 2 USD. Giá trị cao nhất thuộc về Paypal khi thông tin tài khoản được tin tặc bán với 247 USD tại "chợ đen".

Các thông tin cá nhân này được giao dịch như thế nào?

Có khá nhiều cách để trao đổi, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân trên chợ đen. Bạn có thể mua 1 dữ liệu thông tin cá nhân duy nhất, mua dữ liệu cá nhân hàng loạt cho cùng 1 loại thông tin, ví dụ như mua một loạt số an sinh xã hội, số hộ chiếu... để phục vụ mục đích mờ ám nào đó. Cuối cùng là có thể mua gói dữ liệu tổng hợp bao gồm toàn bộ các thông tin có được về một hay nhiều đối tượng nào đó.

Theo thống kê từ tập đoàn Javelin thì số vụ trộm cắp dữ liệu cá nhân trên mạng internet đã gia tăng tới hơn 400% chỉ trong 4 năm và tổng giá trị của chúng lên tới 3,7 tỷ USD.

Các đối tượng mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân dùng để làm gì?

Thông tin đánh cắp được có thể phân chia làm nhiều loại, và phổ biến nhất chính là thông tin về thói quen người dùng, thông tin về danh tính, địa chỉ, số điện thoại... Các thông tin này có thể được dùng để bán lại cho các công ty quảng cáo, tiếp thị nhằm phục vụ cho chiến dịch spam quảng cáo gây khó chịu cho người dùng.

Nghe qua thì có thể thấy rằng việc lộ thông tin cá nhân không hề nguy hiểm nhưng nó mới chỉ là bước đầu bởi qua đó, các hacker có thể lợi dụng để gửi tới bạn những mail rác, có cài mã độc nhằm đánh cắp các thông tin quan trọng hơn như số thẻ tín dụng, thông tin ngân hàng... Đa phần các vụ bị mất tiền trong tài khoản, bị hack thẻ tín dụng đều thông qua con đường này.

Như vậy, có thể thấy rằng thông tin cá nhân có giá trị vô cùng quan trọng và cần được bảo vệ một cách nghiêm túc. Đó là lý do vì sao phong trào tẩy chay Facebook tại nhiều quốc gia lại bùng phát mạnh mẽ đến như vậy sau scandal của công ty này.

Theo Thế Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên