MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tư 36 sửa đổi: Tăng tỷ lệ mua trái phiếu Chính phủ, đối tượng nào hưởng lợi?

01-06-2016 - 08:35 AM | Tài chính - ngân hàng

Thông tư 06 được ban hành đúng vào thời điểm thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đang dư thừa, lãi suất liên ngân hàng gần đây đã sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một năm trở lại đây.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Thông tư 06/2016 ban hành tuần trước (Thông tư 36 sửa đổi) đã điều chỉnh tăng tăng tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài (từ 15% lên 35%), ngân hàng thương mại nhà nước (từ 15% lên 25%).

Tỷ lệ này cho phép các loại hình tổ chức tín dụng khác được giữ nguyên (ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài 35%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng 5%; ngân hàng hợp tác xã 35%).

Điều chỉnh là tất yếu

Lý do của sự điều chỉnh trên có cả ở phía cơ quan quản lý lẫn phía ngân hàng thương mại. Về phía cơ quan quản lý, không ít lần có lời phàn nàn rằng các ngân hàng thương mại là đối tượng chính mua trái phiếu Chính phủ, được thể hiện qua con số tới 80% trái phiếu Chính phủ được mua bởi ngân hàng thương mại. Nhưng Thông tư 36/2014 của NHNN đã thắt chặt việc đầu tư trái phiếu Chính phủ của giới ngân hàng, khi đưa ra mức khống chế tỷ lệ tham gia mua trái phiếu chỉ bằng 15-35% vốn ngắn hạn, tùy thuộc loại hình ngân hàng thương mại. Nên không ít lần NHNN đã được khuyến nghị điều chỉnh tăng tỷ lệ này lên để các ngân hàng tăng cường mua thêm trái phiếu Chính phủ, góp phần giảm áp lực thâm hụt ngân sách.

Vê phía các ngân hàng thương mại, một số ý kiến nêu rằng Thông tư 36 quy định tỷ lệ tối đa so với nguồn vốn ngắn hạn mà chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng thương mại được mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ là 15% và 35% là không phù hợp với quy định theo Basel II và III về các chuẩn mực an toàn theo đó các ngân hàng có thể nắm giữ một lượng lớn trái phiếu Chính phủ nhiều nhất có thể. Ngoài ra, cũng có ý kiến yêu cầu đối xử công bằng khi áp giới hạn trên đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, như một điểm cần có để khuyến khích các thành phần tham gia phát triển thị trường nợ của Việt Nam, trong đó có trái phiếu Chính phủ.

Như vậy, có thể thấy NHNN đã phải chịu áp lực không nhỏ trong việc sửa đổi quy định liên quan trong Thông tư 36 cho phù hợp với yêu cầu, không chỉ từ thị trường mà còn từ quy chế, chuẩn mực quốc tế. Do đó, việc ban hành Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 36 là một diễn biến tất yếu, có thể đoán định được từ trước.

Điều còn hơi băn khoăn ở đây là tại sao lại có con số 25% (cho ngân hàng thương mại nhà nước) và 35% (cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài)? Với con số 35%, có thể phỏng đoán điều này là vì các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn được sử dụng 35% vốn ngắn hạn để đầu tư, mua trái phiếu Chính phủ, nên NHNN buộc phải nâng tỷ lệ tương ứng cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài để đảm bảo tính công bằng, cũng như tăng cường thêm một nguồn lực huy động so với trước đây.

Với tỷ lệ 25% áp dụng cho ngân hàng thương mại nhà nước, có lẽ lý do chỉ là do quy mô áp đảo của những ngân hàng này trong hệ thống ngân hàng làm cho chúng trở thành những “tay chơi” chủ chốt trên thị trường trái phiếu Chính phủ. Do đó, nếu đưa tỷ lệ áp dụng cho các ngân hàng này lên 35% bằng với các ngân hàng khác thì các ngân hàng thương mại nhà nước có khả năng sẽ “mua tranh bán cướp” trái phiếu Chính phủ với các ngân hàng thương mại nhỏ hơn khi cần thiết, nên, về nguyên tắc, lại tạo ra một sự bất công bằng.

Đôi bên cùng có lợi, nhưng…

Thông tư 06 được ban hành đúng vào thời điểm thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đang dư thừa, lãi suất liên ngân hàng gần đây đã sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một năm trở lại đây. Bình thường, nếu còn bị “trói” bởi Thông tư 36 thì dù có thừa tiền, các ngân hàng thương mại cũng không thể đổ xô vào trái phiếu Chính phủ, và, do đó, tiền thừa thì vẫn cứ thừa còn trái phiếu Chính phủ “ế” thì vẫn cứ “ế”.

Với Thông tư 06, các ngân hàng có thêm room để tiêu bớt tiền thừa, đương nhiên với lãi suất đấu thầu trái phiếu có chiều hướng đi xuống do cầu tăng mạnh. Nói cách khác, cả Chính phủ và ngân hàng đều được lợi trong thời điểm hiện tại nhờ Thông tư 06.

Tuy nhiên, không có điều gì chỉ toàn làm lợi cho tất cả mọi người.

Việc nâng tỷ lệ vốn ngắn hạn đầu tư, mua trái phiếu Chính phủ cũng là một con dao hai lưỡi khi vì một lý do nào đó thanh khoản trở nên eo hẹp hơn, và/hoặc nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng mạnh. Hiện tại, thanh khoản dư thừa có thể vì hai yếu tố chính: NHNN đã nới lỏng cung tiền (một phần có thể do đã mua nhiều tỉ USD mà không trung hòa hết lượng VND đối ứng); và tăng trưởng tín dụng đã chựng lại trong tháng 5.

Khi một trong hai yếu tố này mất đi (NHNN không mua USD nữa vì lo ngại lạm phát quay đầu tăng trở lại, hoặc nhu cầu tín dụng được phục hồi do tăng trưởng kinh tế phục hồi) thì sẽ đến lúc trái phiếu Chính phủ sẽ phải cạnh tranh gay gắt với phần còn lại của nền kinh tế để thu hút nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng. Sự điều chỉnh tăng lên trong tỷ lệ vốn ngắn hạn được phép đầu tư vào trái phiếu Chính phủ sẽ vô hình trung giúp trái phiếu Chính phủ có thêm lợi thế trong cuộc cạnh tranh này.

Lúc này sẽ khiến không chỉ là mặt bằng lãi suất chung cao hơn mà còn là vốn ngân hàng chảy về trái phiếu nhiều hơn trong khi nguồn vốn dành cho doanh nghiệp, đặc biệt là vốn lãi suất thấp, lại càng ít. Kết quả là ảnh hưởng tới tăng trưởng dù rằng áp lực lên thâm hụt ngân sách được giải tỏa phần nào nhờ tiêu thụ được trái phiếu Chính phủ.

TS. Phan Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên