MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu học phí bằng bitcoin: Rủi ro lớn!

28-10-2017 - 08:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Trường ĐH FPT thông báo chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng bitcoin, trong khi cơ quan quản lý chưa có khung pháp lý cụ thể để quản lý loại tiền ảo này.

Chiều 27-10, Trường ĐH FPT đã có thông báo chính thức cho rằng trường mong muốn thử nghiệm bằng cách chấp nhận cho sinh viên (SV) nước ngoài sử dụng bitcoin như một phương tiện thanh toán học phí cho trường.

Tạo thuận tiện cho sinh viên nước ngoài

Theo thông báo, việc thử nghiệm nhằm tạo sự thuận tiện cho SV ngoại quốc, vì công tác quản lý tài chính của một số nước rất chặt chẽ về ngoại tệ nên việc đóng học phí với các em cũng là một trở ngại lớn. Đồng thời, trường kỳ vọng sẽ sử dụng bitcoin như một công cụ phục vụ mục đích nghiên cứu.

"Cần nói rõ, việc thử nghiệm của trường cũng chỉ ở quy mô nhỏ vì thực tế hiện trường có khoảng 100 SV nước ngoài, chiếm 1% SV đang theo học. Còn để thực hiện chính thức thì chưa thể vì phải phụ thuộc nhiều yếu tố về quy định pháp lý và cần có hạ tầng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh để dùng bitcoin giao dịch như một đồng tiền bình thường. Chúng tôi sẽ triển khai phù hợp với những quy định pháp lý hiện nay" - thông báo nêu rõ.

Cũng theo lãnh đạo nhà trường, bitcoin thực tế sẽ là một công cụ hỗ trợ cho việc nộp học phí. SV ngoại quốc có thể tự chuyển bitcoin thành đồng tiền được phép lưu thông tại Việt Nam và nộp cho trường. Cách thứ hai là trường dự kiến hình thành một tài khoản bitcoin. SV sẽ hiến tặng bitcoin, còn trường sẽ hoán đổi bằng cách cấp học bổng tương đương với số bitcoin đó.

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho biết hiện Việt Nam chưa có quy định nào liên quan đến bitcoin. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH trên thế giới đã chấp nhận cho SV sử dụng bitcoin để thanh toán học phí.

Sinh viên nước ngoài học tập tại Trường ĐH FPT
Sinh viên nước ngoài học tập tại Trường ĐH FPT

Theo ông Tùng, trường chấp nhận cho các đối tượng đang là SV hoặc chuẩn bị là SV của trường nộp học phí bằng bitcoin. Trước mắt, áp dụng cho SV nước ngoài. Nhà trường thử nghiệm thu học phí bằng bitcoin vì đây là giải pháp khả thi đối với rất nhiều SV nước ngoài đang học tập tại ĐH FPT. Đó là những SV châu Phi, đặc biệt là từ Nigeria, họ gặp khó khăn trong việc chuyển tiền ra nước ngoài để đóng học phí.

Đánh giá về mức độ rủi ro của việc thu học phí bằng bitcoin, khi giá của đồng tiền số này lên xuống thất thường dẫn tới Trường ĐH FPT có thể bị "thâm hụt" học phí khi giá bitcoin giảm mạnh, ông Tùng cho biết hiện SV ngoại quốc của trường vẫn nộp học phí bằng ngoại tệ. Như vậy, xét về mức độ rủi ro tỉ giá thì có thể thấy ngoại tệ và bitcoin là như nhau.

Theo lãnh đạo này, bitcoin là một sản phẩm công nghệ và nhà trường muốn thử nghiệm thu học phí, sử dụng đồng Bitcoin như một dạng giao dịch của công nghiệp 4.0. "Là một trường ĐH đào tạo về công nghệ, chúng tôi thấy rất nên tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm những vấn đề mới mẻ của công nghệ, gắn nó với thực tiễn cuộc sống, điều hoàn toàn có thể xảy ra trong thời đại 4.0" - ông Tùng nói.

Thông báo của ông Lê Trường Tùng đã tạo nên một cuộc tranh luận về tính pháp lý của bitcoin và liệu có hợp pháp khi thu học phí bằng đồng tiền số này.

Theo một chuyên gia kinh tế, bitcoin là một sản phẩm công nghệ mới của kỷ nguyên 4.0 và cách làm của Trường ĐH FPT cho thấy tính thức thời với vai trò là trường đào tạo về công nghệ hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên, không ít chuyên gia khi được hỏi đã bày tỏ sự lo ngại về tính pháp lý của đồng tiền này và cho rằng việc cho phép sử dụng bitcoin để nộp học phí có thể gây ra những tác động tiêu cực đến SV, có thể khiến SV "đầu tư mạo hiểm"…

Khó xử lý nếu có tranh chấp

Theo Nghị định 80 ngày 1-7-2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101 ngày 22-11-2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt: "Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng (NH) Nhà nước". Bitcoin chưa được NH Nhà nước thừa nhận là đồng tiền hay phương tiện thanh toán hợp pháp. Trong khi đó, khoản 6, điều 6 về "Các hành vi bị cấm", Nghị định 101 cũng quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là "sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp". Như vậy, theo các chuyên gia, việc sử dụng đồng tiền này để thanh toán nói chung và trả học phí nói riêng là không hợp pháp.

Một giảng viên của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết Chính phủ đang giao các bộ, ngành liên quan soạn thảo khung pháp lý để quản lý đồng tiền ảo, tiền điện tử. Dự kiến đến năm 2019, việc xây dựng mới hoàn thành bước đầu tiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc từ nay đến khi ban hành khung pháp lý, các giao dịch bằng tiền điện tử chưa được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ. Chuyên gia này phân tích thêm, do chưa được pháp luật điều chỉnh nên những rủi ro liên quan việc nhận và bán đồng tiền này là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì các điểm giao dịch ở nước ta chưa được pháp luật công nhận nên Trường ĐH FPT có thể gặp khó khăn về đầu ra. Thêm vào đó, giá của bitcoin thay đổi liên tục. Tại thời điểm trường bán ra, nếu bitcoin rớt giá so với lúc SV đóng học phí, trường sẽ thiệt hại. Một vấn đề nữa là khi thu học phí, trường quy đổi như thế nào và SV thanh toán ra sao khi giá cả bitcoin biến động liên tục?

Ngoài ra, trên thế giới, không phải nước nào cũng công nhận bitcoin. Trong tháng trước, Trung Quốc đã cấm các giao dịch huy động vốn bằng tiền ảo khiến các sàn giao dịch bitcoin lớn tại đây phải đóng cửa. Nếu SV muốn nộp học phí bằng tiền ảo, việc mua bitcoin cũng không dễ. Bên cạnh đó, giá cả bitcoin biến động liên tục, SV đóng học phí như thế nào cũng là câu hỏi đang được đặt ra.

TS Cấn Văn Lực, cố vấn chủ tịch HĐQT NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam, đặt vấn đề nếu xảy ra tranh chấp sẽ rất khó xử lý vì đồng tiền này chưa được công nhận ở Việt Nam. Thêm vào đó, nếu SV chuyển bitcoin qua NH, rồi tiền từ NH chuyển về tài khoản của trường thì NH đó có chấp nhận chuyển hay không?

Không phải là phương tiện thanh toán

Nói về tính pháp lý của đồng tiền kỹ thuật số bitcoin, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho rằng NH Nhà nước bảo lưu quan điểm bitcoin không phải là tiền tệ theo quy định của pháp luật và cũng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Mặt khác, NH Nhà nước cũng nghiêm cấm các tổ chức tín dụng sử dụng bitcoin làm phương tiện thanh toán, cung cấp các sản phẩm dịch vụ liên quan đến đồng tiền kỹ thuật số. Th.Thơ

Chiêu truyền thông?

Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT thông tin trên mạng xã hội rằng chấp nhận cho SV nộp học phí bằng bitcoin, trước mắt áp dụng cho sinh viên nước ngoài chỉ là chiêu truyền thông và họ đã thành công.

TS Trần Vinh Dự phân tích: Khác với các đồng ngoại tệ, việc giao dịch bitcoin trên thị trường ảo tăng giảm từng giây nên không ai dùng nó để thanh toán mà chủ yếu để đầu cơ. Trên thế giới, nhiều quốc gia chấp nhận bitcoin một phần nào đó nhưng cũng có những quốc gia cấm tuyệt đối do tính minh bạch về thu nhập của nó.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhìn nhận ở nước ngoài, bitcoin được hiểu là hàng đổi hàng chứ không phải là tiền. Trường ĐH FPT có thể cho rằng đây là hàng đổi hàng. Nhưng chấp nhận cho SV đóng học phí bằng bitcoin thì không có cơ sở. Lý giải của trường áp dụng đối với SV châu Phi bởi họ chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho việc học tập rất khó là không hợp lý bởi vì SV Nigeria hay SV các nước châu Phi nói chung sang Việt Nam học ĐH là theo sự hợp tác của hai chính phủ nên việc chuyển ngoại tệ đóng học phí là không khó.

Chuyên gia về đầu tư Phan Dũng Khánh, Công ty Kim Eng, nhận định trong trường hợp Trường ĐH FPT thu Bitcoin, trong khi ở đây không có sàn giao dịch, vậy thì trường sẽ giao dịch bitcoin như thế nào? Nếu thu học phí bằng bitcoin thật sự thì phải công bố trên website của trường và phải quy định thật chi tiết.

Cũng như những chuyên gia kinh tế khác, ông Khánh cho rằng việc Trường ĐH FPT thông báo nhận bitcoin để đóng học phí đối với SV nước ngoài là chiêu truyền thông. Trước đây, nhiều người chưa biết FPT có trường ĐH, nay thì họ đã biết. H.Lân

Theo Yến Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên