MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu hút FDI 30 năm nhìn lại: Đánh giá, điểu chỉnh để thực chất hơn

Bắt đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ năm 1988, sau 30 năm, nguồn vốn FDI đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp to lớn, những bất cập từ các dự án FDI cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được đánh giá và điều chỉnh lại…

Hơn 300 tỷ USD “đổ” vào Việt Nam

Việt Nam thời gian qua được biết là một điểm sáng trong thu hút FDI . Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/8/2017, có 124 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (tổng số 23.972 dự án còn hiệu lực) với tổng vốn đăng ký hơn 300 tỷ USD.

Nếu chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 217, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2016. Vốn thực hiện đạt 10,3 tỷ USD, tăng 5.1%.

Trong những tháng cuối năm, dòng vốn FDI được dự báo tiếp tục chảy vào Việt Nam, duy trì vai trò động lực tăng trưởng cho toàn nền kinh tế. Nhiều dự báo cho rằng, năm nay dòng FDI có thể tăng lên con số kỷ lục 28 tỷ USD.

Trao đổi với BizLIVE, GS. TSKH. Võ Đại Lược - Giám đốc Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng trong 30 năm qua (kể từ năm 1988), luồng vốn FDI vào Việt Nam đã có những tác động lớn đến nền kinh tế.

Hiện nay các doanh nghiệp FDI chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu và trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp. Cụ thể, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2016, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 123,928 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2015, chiếm 70,16% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của DN FDI so với khu vực DN trong nước. Nguồn: Tổng cục Hải quan

“Phải thừa nhận là các doanh nghiệp FDI đã có một số đóng góp tích cực cho nền kinh tế như bổ sung nguồn vốn lớn vào đầu tư phát triển, góp phần duy trì tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam cao, tạo công ăn việc làm cho cả triệu lao động Việt Nam, đóng góp ngân sách cho nhà nước…”, ông Lược nhận định.

Cần nhìn lại để có những điều chỉnh phù hợp

Bên cạnh những mặt tích cực nói trên, theo chuyên gia Võ Đại Lược việc thu hút vốn FDI vẫn còn một số tồn tại cần được rà soát, đánh giá lại để có những điều chỉnh phù hợp.

Ông Lược dẫn chứng, một trong những mục đích quan trọng của việc thu hút FDI đó chính là vấn đề chuyển giao, tạo sức lan toả cho nền kinh tế. Mặc dù một số doanh nghiệp FDI cũng đã thực hiện chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, tuy nhiên số lượng lại không nhiều. Trong giai đoạn 2006-2015, gần 14.000 dự án FDI mới có khoảng 600 hợp đồng chuyển giao công nghệ (chiếm tỷ lệ 4,28%).

Dẫn lại đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (2016), vị chuyên gia này cho biết hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI của Việt Nam thấp ở mức đáng ngạc nhiên và có xu hướng ngày càng bị đẩy ra xa so với các quốc gia trong khu vực.

Để khuyến khích các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ vào Việt Nam, ông Lược cho rằng: Chỉ nên ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI có cam kết chuyển giao công nghệ. Các doanh nghiệp không cam kết và chuyên giao được như vậy sẽ không có ưu đãi.

Theo ông Lược, một bất cập nữa cần được kể tới đó là các doanh nghiệp FDI mang vào Việt Nam công nghệ trung bình, lạc hậu chiếm phần lớn.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hơn 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, chỉ có 5-6% sử dụng công nghệ cao. Con số này là quá ít ỏi, ông Lược nhận định.

Ngoài ra, theo nhận định của ông Lược, kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp cung ứng trong nước còn tương đối yếu. Bên cạnh nguyên nhân đến từ phía các doanh nghiệp FDI, ông Lược cho rằng sự hạn chế trong kết nối này còn đến từ chính phía chúng ta. Cụ thể, với chính sách tỷ giá và lãi suất cao như hiện nay rất khó để doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp cung ứng từ một số nước khác.

“Chẳng hạn như doanh nghiệp Nhật, lãi suất nước họ rất thấp. Họ vay vốn và vào Việt Nam đầu tư thì có lợi thế hơn doanh nghiệp chúng ta. Sự kém cạnh tranh là một trong những lý do nhiều doanh nghiệp FDI có muốn mời thì doanh nghiệp Việt cũng phải “lắc đầu”, ông Lược nói.

Cũng theo ông Lược, công nghiệp hỗ trợ cũng đòi hòi hướng ngoại rất mạnh. Cần phải có thị trường xuất khẩu tuy nhiên với chính sách tỷ giá như hiện nay thì doanh nghiệp Việt cũng gặp nhiều khó khăn.

Để khuyến khích các doanh nghiệp FDI liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn, chuyên gia Võ Đại Lược đề xuất nên hạn chế tối đa các doanh nghiệp FDI đầu tư 100% vốn.

“Các doanh nghiệp FDI 100% vốn chỉ được đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu triển khai hay chỉ ưu tiên các doanh nghiệp công nghệ cao có cam kết chuyển giao công nghệ thôi”, ông Lược kiến nghị.

Ngoài ra, theo ông Lược các mức ưu đãi về thuế, mặt bằng sản xuất phải do Chính phủ quyết định, các chính quyền các cấp không được tuỳ tiện ưu đãi, tránh “ồ ạt” trong việc trải thảm kêu gọi nhà đầu tư.

Khi được hỏi liệu những kiến nghị như trên liệu có làm chuyển hướng dòng FDI, ông Lược cho rằng, việc hút FDI có thể sẽ sụt giảm nhưng hiệu quả mang lại cho nền kinh tế sẽ thực chất hơn...

Theo N.Mạnh

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên