Thứ khiến nhà Đường suy tàn, nền văn minh Maya sụp đổ đang hiện hữu khắp nơi
Úc từ lâu đã được biết đến là "đất nước may mắn", một phần do sự giàu có về than và khí đốt, cũng như các khoáng sản như quặng sắt. Những thứ đã thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của nhiều thế hệ sinh sống nơi đây. Thế nhưng, sự may mắn ấy có vẻ đang phai nhạt.
- 18-05-2022'Ôm đất' lúc đỉnh sốt, nhiều nhà đầu tư 'sống dở chết dở' khi đất hạ nhiệt
- 18-05-2022Jerome Powell: Fed không ngần ngại tăng lãi suất cho tới khi lạm phát được kiểm soát
- 18-05-2022Thủ tướng gặp kiều bào tại Hoa Kỳ: 'Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một'
Các phương tiện truyền thông đại chúng đang khiến mọi người choáng ngợp với những tiêu đề về thiên tai bão lũ, trận đại dịch chết người và những bất ổn về chính trị xã hội. Tuy loài người không muốn đối mặt với biến đổi khí hậu nhưng không thể phủ nhận những hậu quả mà nó gây ra từ những ngày còn tồn tại các triều đại phong kiến Trung Quốc cho đến nay.
Biến đổi khí hậu đã làm gì với lịch sử
Dựa trên những mô phỏng về điều kiện khí hậu thời cổ đại, các nhà khoa học cho rằng thời Tống và thời Đường đã được tận hưởng sự ấm áp. Từ kết quả họ công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Địa vật lý, có thể giải thích sức mạnh và sự hùng cường của mỗi triều đại.
Triều đại nhà Đường (618 - 907 SCN) thường được coi là thời kỳ hoàng kim của văn hóa Trung Quốc trong khi triều đại nhà Tống (960−1279 SCN) được cho là đã suy yếu hơn dù vẫn còn thịnh vượng. Người ta cho rằng sức mạnh nhân khẩu học, kinh tế và quân sự của một triều đại có liên quan đến điều kiện khí hậu, vì khí hậu ấm hơn sẽ thuận lợi cho phát triển kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, nhiệt độ không phải lúc nào cũng có thể ấm áp. Không những vậy, số lượng lũ lụt và hạn hán khi thời tiết lạnh giá tăng lên nhiều hơn so với khi tiết trời ấm áp.
Theo Zhibin Zhang, một chuyên gia thuộc Viện Khoa học tại Bắc Kinh và một nhóm các nhà khoa học: "Sự sụp đổ của nhà Hán (25-220), Đường (618-907), Nam Tống, (960-1125), Bắc Tống (1127-1279) và Minh (1368-1644) xảy ra vào thời kỳ nhiệt độ rất thấp và tốc độ giảm nhiệt diễn ra nhanh."
Các nhà khoa học cho rằng sự lạnh giá có liên quan đến hiện tượng biến đổi khí hậu. Và sự biến đổi khí hậu lại khiến cho sự sinh trưởng của cây cỏ trên thảo nguyên ở Mông Cổ bị ảnh hưởng và làm gia súc chết đói. Khi những bộ tộc Mông Cổ vốn sống trên thảo nguyên gặp phải sự khó khăn do thời tiết lạnh giá gây ra, họ phải tiến vào Trung Quốc để tìm đường sống.
Một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học khác do Gerald Haug thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trái đất tại Postdam, Đức lại có ghi nhận khác. Họ khẳng định vào thời điểm đó, châu Á có lượng mưa quá thấp khiến mùa màng thất bát và gây ra nạn đói kém và rối loạn xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của triều đại nhà Đường.
Nhóm này cũng cho rằng sự thay đổi trong vành đai mưa nhiệt đới ảnh hưởng đến thế giới cũng có thể giải thích cho sự biến mất đột ngột của nền văn minh Maya cổ xưa.
Dù có nhiều ý kiến khác nhau, không thể phủ nhận một điều rằng biến đổi khí hậu sẽ dẫn tới bất ổn và chiến tranh.
Hiện tại hỗn loạn với bất ổn chính trị
Năm 2007 là lần đầu tiên Ken Morrison chứng kiến đám cháy rừng xé toạc Thung lũng Hunter của Úc. Lần thứ hai, ông phải vật lộn khi mưa trút xuống không ngớt làm tràn bờ sông Richmond, kéo theo làn sóng giống như sóng thần tràn qua thị trấn nhỏ Woodburn ở phía bắc New South Wales - nơi Morrison sinh sống. Ông đã lội trong bóng tối để lấy chiếc thuyền được cất trong nhà kho để gia đình ông có thể thoát ra khỏi dòng nước lũ.
Thường được mệnh danh là "đất nước may mắn", giờ đây, Úc đang ở ranh giới của một cuộc khủng hoảng khí hậu, hỏa hoạn, lũ lụt và hạn hán vốn đã gây ra tổn thất nặng nề và có thể trở nên càng khắc nghiệt khi Trái đất nóng lên.
Mặc dù phải đối mặt với cuộc khủng hoảng, Úc lại có một trong những kỷ lục tồi tệ nhất trong việc hành động chống lại biến đổi khí hậu ở các nước phát triển với kế hoạch của chính phủ hiện tại là vào năm 2030 sẽ cắt giảm chỉ 26-28% lượng khí thải so với mức năm 2005. Đây là một mục tiêu khá nhạt nhoà so với mục tiêu hành động được thiết lập bởi những đồng minh khác như Mỹ, Anh và Liên minh Châu Âu. Ngay cả Hội đồng Kinh doanh của Úc, đại diện cho các công ty bao gồm cả lợi ích khai thác, cũng muốn ủng hộ một mục tiêu cao hơn.
Vào ngày 21/5, Thủ tướng Scott Morrison (người không có họ hàng gì với nhân vật Ken Morrison ở trên) sẽ yêu cầu người dân Úc bầu lại Đảng Tự do trung hữu của ông và đồng minh là Đảng Quốc gia. Nhiệm kỳ 3 năm của ông Morrison đã bị ảnh hưởng bởi các thảm hoạ liên quan đến khí hậu. Đám cháy Mùa hè Đen trong năm 2019-2020 đã tàn phá vùng đất có diện tích tương đương Vương quốc Anh và cướp đi sinh mạng của hàng chục người. 3 tỷ động vật đã chết hoặc phải di cư đến nơi khác. Tiếp đó, trận lũ lụt trong năm nay đã tràn vào nhà của Ken Morrison và nhiều người khác ở New South Wales và xa hơn về phía bắc ở Queensland.
Mục tiêu tại nhiệm của Thủ tướng Úc có thể bị cản trở bởi đối thủ chính của ông là lãnh đạo Đảng Lao động Anthony Albanese. Ông Albanese là người hứa sẽ cắt giảm 43% lượng khí thải vào năm 2030.
Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Bảy là một cuộc bỏ phiếu quan trọng, quyết định xem nước Úc sẽ tiếp tục đi theo con đường hiện tại hay rẽ sang một lối đi khác.
Theo báo cáo Biến đổi khí hậu của Ipsos, một cuộc khảo sát với 1.000 cử tri vào tuần cuối cùng của tháng 3 cho thấy 4/5 người cảm thấy lo ngại về cuộc khủng hoảng và 2/3 cho rằng đất nước nên hành động nhiều hơn để đối phó với nó.
Nhưng kết quả của các cuộc khảo sát công khai không thống nhất với kết quả của cuộc bầu cử, ít nhất là với những cuộc bầu cử trước đây.
Vào năm 2019, các cuộc thăm dò dư luận đã dự đoán một chiến thắng cho Đảng Lao động trung tả đối lập khi đảng này có kế hoạch đầy tham vọng nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo và ô tô điện. Nhưng Đảng Lao động đã thua. Cuộc khảo sát chỉ nói lên sự quan ngại khi Úc không có hành động về vấn đề khí hậu.
Tương lai có tiềm năng nhưng vẫn bấp bênh
Thỏa thuận Paris mang tính bước ngoặt vào năm 2015 đã chứng kiến 200 quốc gia gạt đi sự khác biệt của họ sang một bên với lời hứa sẽ hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này. Đó là một cam kết đã được nhấn mạnh tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái ở Glasgow.
Tuy nhiên, cả hai đảng lớn của Úc đều không đạt được mục tiêu phù hợp với những cam kết đó, theo các nhà khoa học về khí hậu.
Các mục tiêu mà liên minh của ông Morrison đề ra sẽ "phù hợp" với viễn cảnh nóng lên 4 độ C trên toàn cầu trong khi nếu đi theo con đường mà Đảng Lao động hướng tới, nhiệt độ sẽ tăng lên 2 độ C, theo Climate Analytics, được dẫn đầu bởi một trong những nhà khoa học hàng đầu của Úc là Bill Hare.
Hare nhận thức sâu sắc về những mối đe dọa hiện hữu mà quốc gia của mình phải đối mặt, nhưng ông cũng nói rằng nếu các ứng cử viên có nhận thức tốt về khí hậu giành được ghế của họ và gây áp lực trong Quốc hội, cuộc bầu cử có thể thay đổi được những điều to lớn.
Hare nói: "Đây là một cơ hội to lớn để trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch. Rất nhiều điều nước Úc có thể làm để cho phép khai thác mỏ và khí đốt. Vầ điều đó liên quan rất nhiều đến việc mở rộng nhanh chóng cơ sở hạ tầng cung cấp cơ bản cần thiết cho năng lượng tái tạo. "
Ngoài việc có các công cụ để khai thác nhiều năng lượng tái tạo hơn, Úc còn có tài nguyên thiên nhiên để cung cấp, với tiềm năng năng lượng mặt trời trên mỗi mét vuông nhiều hơn bất kỳ châu lục nào khác và một số tài nguyên gió tốt nhất trên thế giới.
Năng lượng tái tạo đã chiếm gần 33% năng lượng quốc gia, theo cơ quan đỉnh cao của ngành. Và các bang như Nam Úc - nơi 2/3 lượng điện được tạo ra từ gió và mặt trời - đã dẫn đầu thế giới trong quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Nhưng trở lại Woodburn, nơi mà tiếng mưa vẫn đang rơi nhiều hơn khiến người dân địa phương thức trắng vào ban đêm, những cử tri giống như Ken Morrison vẫn đang phải dựa vào khả năng tự lực để sống sót qua những điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Chiếc thuyền mà ông từng cất ở phía sau nhà kho hiện đang ở trong ga ra bên dưới ngôi nhà hai tầng của mình, ở tư thế sẵn sàng trong trường hợp xảy ra lũ quét.
Vai trò của biến đổi khí hậu trong việc định hình chính trị và địa chính trị ngày nay có thể chưa rõ ràng. Tuy nhiên, trong tương lai, ảnh hưởng của nó chắc chắn sẽ rõ nét và đáng quan tâm hơn. Nếu biến đổi khí hậu không được kiểm soát, các cơn bão sẽ ngày càng lớn, sức nóng vượt quá sức chịu đừng và các đường bờ biển sẽ biến mất. Hàng tỷ người sẽ phải di dời hoặc vật lộn để có thể tồn tại. Điều này sẽ tạo ra căng thẳng chưa từng có đối với các thể chế chính trị và xã hội, chưa kể đến nền kinh tế toàn cầu.