Thu ngân sách được 100 đồng, chi thường xuyên và trả nợ hết 100 đồng có lẻ, lấy tiền đâu để đầu tư phát triển?
Tổng cộng 2 khoản chi thường xuyên và chi trả nợ - viện trợ lên đến hơn 318 nghìn tỷ, vượt thu ngân sách 4 tháng là 317 nghìn tỷ.
Trong báo cáo mới đây của Bộ Tài chính về thu chi ngân sách 4 tháng đầu năm, so sánh với các năm tài chính trước đang cho thấy tỷ trọng của các nguồn thu đang dịch chuyển mạnh mẽ. Trong khi đó các khoản chi ngân sách cũng đang có sự thay đổi.
Theo thống kê, lũy kế 4 tháng đầu năm tổng thu ngân sách ước đạt 317 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng chi NSNN 4 tháng đạt trên 370 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so cùng kỳ năm 2015. Bội chi NSNN ước đạt 53,6 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, riêng việc chi trả nợ và viện trợ 4 tháng xấp xỉ 52 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 16% trên tổng thu ngân sách.
Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính (chi thường xuyên) ước đạt xấp xỉ 261,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 82,5% tổng thu ngân sách. Đây vốn là khoản chi lớn nhất, chiếm xấp xỉ 70% tổng các khoản chi ngân sách nhà nước.
Chi thường xuyên chiếm đến 70% trong cơ cấu chi. Chi trả nợ viện trợ đang có xu hướng tăng dần và lấn át chi đầu tư phát triển.
Có thể thấy, trong cơ cấu chi ngân sách, chi thường xuyên đang chiếm tỉ trọng quá lớn, trong khi chi trả nợ viện trợ đang tăng dần qua các năm (cả số tuyệt đối và tỷ trọng trong cơ cấu chi), còn chi đầu tư phát triển lại thu hẹp dần.
Tổng cộng 2 khoản chi thường xuyên và chi trả nợ - viện trợ 4 tháng đầu năm lên đến hơn 318 nghìn tỷ, vượt tổng thu ngân sách 4 tháng (317 nghìn tỷ).
Nói một cách dễ hiểu, nếu 4 tháng đầu năm ngân sách thu được 100 đồng, thì chi thường xuyên đến 82,5 đồng, trả nợ hết 18 đồng, tổng cộng hết 100,5 đồng. Kết quả thống kê của các năm trước cũng tương tự và không mấy khả quan hơn.
Câu hỏi đặt ra là: ngân sách phải huy động tiền từ đâu để dành cho đầu tư phát triển?
Trí thức trẻ/CafeBiz