Thu nhập bình quân lao động quý 3 còn thấp hơn cả 'đáy' trong vòng 10 năm
Ngày 19/10, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã gửi đến các đại biểu Quốc hội một số ý kiến về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, dự kiến Kế hoạch năm 2022, thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, trong đó có lao động việc làm.
- 19-10-2021Thu nội địa Hải Phòng thay đổi ra sao trước và sau khi có VinFast?
- 19-10-2021Đại diện Eurocham, JCCI đề xuất thời gian tới, để doanh nghiệp tự chủ hơn trong chống dịch, nếu có F0 thì chỉ khoanh vùng tối thiểu
- 19-10-2021Lộ diện tỉnh có dân nhập cư nhiều hơn cả TP. HCM, Đà Nẵng: Cứ 5 người từ 5 tuổi trở lên ở đây, thì 1 người là đến từ tỉnh khác
Tỷ lệ thất nghiệp vượt xa con số 2% như thường thấy
Ủy ban nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành các văn bản nhằm hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực lao động về cơ bản theo đúng tiến độ đề ra; nhiều chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động được ban hành và triển khai.
Ngoài ra, dự báo đến cuối năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đều đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ vượt kế hoạch khoảng 1% (kế hoạch giao 25,5%, đến nay đã đạt 26,1%).
9 tháng năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 50,4 triệu người, giảm 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 44,5 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước, tương đương 2,4%. Lao động đã qua đào tạo từ trình độ "sơ cấp" trở lên 9 tháng năm 2021 là 13,1 triệu người, chiếm 26,1% lực lượng lao động, tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Quý 1 và quý 2/2021, tỷ lệ lao động thất nghiệp trong độ tuổi có xu hướng tăng so với năm 2020, nhưng vẫn dao động xung quanh mức 2%. Thất nghiệp khu vực thành thị tiếp tục được duy trì ở mức dưới 4%.
Sang quý 3/2021, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư và thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp vượt xa con số 2% như thường thấy. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp độ tuổi lao động của khu vực thành thị là 5,54%, tăng 2,18 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,60 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Uỷ ban Xã hội nhấn mạnh, quý 3 năm nay, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý 3/2021 là 5,2 triệu người (tăng gần 1 triệu người so với quý trước và gần 2 triệu người so với cùng kỳ năm trước), tập trung chủ yếu tăng ở khu vực nông thôn, đa số không có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm 92,9%). Trong đó, nữ giới chiếm 62,9% và 58,6% trong độ tuổi lao động (hơn 3 triệu/5,2 triệu người làm công việc tự sản tự tiêu).
Báo cáo nêu rõ: "Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng thì cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động là rất khó khăn".
Điểm cần quan tâm tiếp theo là tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý 1/2020. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, việc làm không ổn định khiến thu nhập, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn giãn cách, nhất là công nhân, lao động khu vực phi chính thức, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác.
Báo cáo so sánh, thu nhập bình quân của người lao động quý 3/2021 thấp hơn đáng kể so với quý 2/2020 (5,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng), trong khi quý 2/2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ rõ, đối với lao động làm công ăn lương, quý 3 năm nay, thu nhập bình quân tháng là 6 triệu đồng/tháng, giảm 780 nghìn đồng so với quý trước và giảm 510 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nhập của lao động nam là 6,4 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 5,5 triệu đồng/tháng. Tính chung 9 tháng năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 6,7 triệu đồng/tháng, giảm 11 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp tục thách thức khi lao động về quê sinh sống
Báo cáo cho hay, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ vào khu vực các địa phương phía Nam, dẫn đến tình trạng dịch chuyển lao động từ các tỉnh, thành phố lớn về quê, tạo nguy cơ "thiếu hụt lao động" với số lượng lớn.
Ngoài ra, các địa phương cũng gặp thách thức lớn khi phải xử lý, giải quyết những vấn đề về lao động, việc làm, tư liệu sản xuất, an ninh trật tự... khi nhiều người lao động trở về sinh sống tại quê nhà trong điều kiện thu nhập khó khăn.
Liên quan đến kế hoạch năm 2022, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ sớm xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược/kế hoạch tổng thể, toàn diện, dài hạn về kinh tế - xã hội để thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19.
Đồng thời, sớm xây dựng, bổ sung các tiêu chuẩn lao động, y tế; khôi phục các quan hệ lao động theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt", "sống chung" với dịch bệnh nhằm hướng tới mục tiêu duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện. Chú trọng phát triển nhà ở cho công nhân, xây dựng thiết chế văn hóa ở các khu công nghiệp để hỗ trợ người lao động, thu hút lao động trở lại làm việc tại các thành phố, các khu công nghiệp, khu chế xuất.