Thu nhập giảm còn 9 triệu nhưng tôi vẫn tiết kiệm được 3,5 triệu/tháng sau khi làm việc này
Tôi hối hận vì đã không làm việc này từ trước để tiết kiệm được nhiều tiền hơn.
- 19-02-2025Bạn gái Văn Thanh “flex” thu nhập cực khủng, giàu đến mức tự mua luôn nhà mặt phố Hà Nội
- 17-02-2025Cô gái 27 tuổi ở TP.HCM với thu nhập chỉ 10 triệu/tháng nhưng dễ dàng tiết kiệm 3 triệu/tháng bằng cách đơn giản này!
- 11-02-2025Cuộc sống ở thành phố quá bấp bênh về tài chính, vợ chồng tôi quyết định chuyển về ngoại ô và tiết kiệm được tới 78% thu nhập!
Trước đây thu nhập của tôi khá hơn, được khoảng 12-13,5 triệu đồng/tháng vì ngoài công việc chính với mức lương thực nhận 9 triệu đồng, tôi còn có 1 việc ngoài giờ khác. Tuy nhiên kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, tôi đã bị mất công việc phụ này.
Thu nhập giảm, tình hình chi tiêu tiết kiệm cũng gặp không ít khó khăn. Dù chưa lập gia đình, tôi vẫn cảm thấy 9 triệu là không thể đủ để vừa tiết kiệm, vừa trang trải cuộc sống ở thành phố. Nhưng không tiết kiệm thì lại thấy chẳng an tâm.
Sau khi suy nghĩ, tôi quyết định vẫn giữ nguyên mức tiết kiệm là 3 triệu/tháng. Phương án duy nhất là giảm tiền ăn và tiền mua sắm.
Nhận “trợ cấp lương thực” từ bố mẹ ở quê
Hàng tháng, tôi có 2 khoản cố định phải chi: Tiền xăng xe và tiền thuê nhà.

Ảnh minh họa
- Tiền thuê nhà cùng điện, nước, wifi, phí dịch vụ: 2 triệu đồng.
Từ trước khi thu nhập giảm, tôi đã ở cùng 1 người bạn để giảm chi phí thuê nhà. Tôi cho rằng con số 2 triệu/tháng cho tất cả chi phí nhà ở và dịch vụ ở Hà Nội là hợp lý, không thể tìm được nơi nào khác phù hợp hơn, nên tôi không quyết định chuyển nhà để giảm tiền thuê trọ.
- Tiền xăng: 500k.
Như vậy, sau khi trừ đi tiền thuê nhà và tiền xăng xe, cùng 3 triệu tiết kiệm, tôi chỉ còn đúng 3,5 triệu đồng để lo tiền ăn và các chi phí phát sinh khác. Mức ngân sách này là điều không thể với tôi. Vì riêng tiền mua thực phẩm ở Hà Nội cũng đã tốn 2,5 - 2,8 triệu/tháng chưa kể tiền dầu gội, nước giặt, kem đánh răng, băng vệ sinh,...
Nhưng vì vẫn muốn tiết kiệm 3 triệu/tháng, nên tôi quyết định sẽ nhận “trợ cấp lương thực” từ bố mẹ.
2 tuần 1 lần, tôi sẽ lái xe máy về quê cách Hà Nội 45km để xin bố mẹ đồ ăn. Bố mẹ tôi rất ủng hộ việc này, trước đây, bố mẹ có thúc giục tôi mang thịt thà, rau quả mỗi lần về quê, tôi cũng từ chối vì suy nghĩ “Hà Nội thiếu gì”. Tuy nhiên, sau khi bị giảm thu nhập, việc này chính là cứu cánh giúp tôi đảm bảo cuộc sống và tỷ lệ tiết kiệm.

Trung bình 1 lần về quê của tôi
Mỗi lần về quê, tôi thường xin mẹ 5kg thịt, 1 kg hải sản, 3kg gạo và khoảng 20 quả trứng. Chừng đó là đủ để tôi ăn trong vòng 2 tuần. Tôi cũng xin mẹ 1 ít rau và trái cây, nhưng vì chúng không bảo quản lâu được như thịt và trứng, nên tôi vẫn phải tự bỏ tiền túi ra để mua tại Hà Nội.
Sau khi chấp nhận để bố mẹ chu cấp thực phẩm, từ sau khi nghỉ Tết đến giờ, tôi mới phải chi khoảng 500k cho việc mua trái cây, rau củ tại Hà Nội. Tôi ước tính những tháng sau, số tiền tôi phải bỏ ra cho việc ăn uống khi sống ở thành phố, tối đa chỉ khoảng 800k.
Tôi quyết tâm tăng tỷ lệ tiết kiệm lên 3,5 triệu đồng/tháng
Sau gần 1 tháng gần như không phải bỏ tiền mua thịt, tôi nghĩ rằng mình có thể tiết kiệm thêm 500k/tháng.

Ảnh minh họa
Chi tiêu hiện tại của tôi trong tháng 2 có thể tóm tắt như sau:
- Tiền thuê nhà: 2 triệu
- Tiền xăng: 500k
- Tiền mua rau, trái cây: 800k
Như vậy, tôi vẫn còn dư 5,7 triệu đồng. Nếu tiết kiệm 3,5 triệu đồng mỗi tháng, tôi vẫn còn tới 2,2 triệu đồng.
Với khoản tiền 2,2 triệu đồng này, tôi dự định như sau:
- Mua đồ dùng cá nhân (sữa tắm, nước giặt, dầu gội, băng vệ sinh, đồ skincare,...): 500k
- Phát sinh (hiếu hỷ, giao lưu bạn bè): 500k
- Đăng ký thẻ tập gym: 300k
- Mua sắm (quần áo, giày dép, túi xách,...): 900k
Đương nhiên, không phải tháng nào cũng có việc phát sinh, cần mua sắm đồ dùng cá nhân, hay mua sắm, nên thực tế tôi nghĩ rằng mình có thể tiết kiệm được nhiều hơn 3,5 triệu đồng mỗi tháng. Đây chỉ là kế hoạch trước mắt, chắc chắn tôi sẽ xem xét và cân đối lại vào những tháng tới.
Không thể chỉ vì giảm thu nhập mà giảm tiền tiết kiệm. Đó là quyết tâm hiện tại của tôi. Tôi thực sự thấy hối hận vì đã không nhận trợ cấp đồ ăn từ bố mẹ sớm hơn. Nếu tháng sau, tình hình chi tiêu không có nhiều biến động, tôi sẽ gửi bố mẹ 1 triệu đồng mỗi tháng tiền mua thực phẩm. Dù sao đã đi làm kiếm tiền, tôi cũng không muốn để bố mẹ nuôi ăn, dù bố mẹ chẳng hề yêu cầu tôi phải gửi tiền để mua thực phẩm cho chính tôi.
Ngọc Linh
Đời sống & pháp luật