Thu nhập nhân viên ngân hàng đồng loạt tăng trong hai năm đại dịch
Mức lương và phụ cấp trung bình của nhân viên 22 ngân hàng trong nhóm khảo sát đã tăng từ 19,7 triệu đồng (trước đại dịch) lên 23,8 triệu đồng/người/tháng...
- 18-05-2022Một ngân hàng tăng hơn 40% thu nhập cho nhân viên trong quý I
- 14-05-2022Mới ra trường, người trẻ nên đi theo một hướng để nâng cao trình độ và thu nhập hay nên thử sức ở nhiều mảng để đa dạng vốn sống?
- 27-04-2022Thêm ngân hàng Việt có thu nhập bình quân nhân viên vọt lên 40 triệu đồng/tháng
Hơn hai năm qua, hệ thống ngân hàng Việt đã và đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Dù vậy, nhu cầu mở rộng kinh doanh của các nhà băng vẫn hiện hữu, với việc tiếp tục tăng cường nhân sự trong khi thu nhập của nhân viên cũng ngày càng được củng cố.
Ngân hàng tăng tuyển dụng
Thống kê của BizLIVE từ BCTC hợp nhất năm 2019 và BCTC hợp nhất quý 1/2022 của 22 ngân hàng cho thấy, trước và sau đại dịch, trong hơn 2 năm qua, họ đã tuyển dụng thêm 15.590 nhân viên, tương đương tăng 6,8%, nâng tổng nhân sự đến cuối tháng 3/2022 lên gần 246,5 nghìn người.
Trong đó, VIB là ngân hàng tuyển dụng mạnh tay nhất với việc nhân sự tăng tới 47,8% trong hơn 2 năm qua, từ 7.112 người hồi cuối năm 2019 lên 10.510 người tính đến thời điểm kết thúc quý 1 năm 2022.
Trong cùng khoảng thời gian trên, nhân sự tại TPBank cũng tăng tới 29,2%, lên 8.010 người, BacABank tăng 24%, lên 2.722 người; SeABank tăng 20,4%, lên 5.062 người, LienVietPostBank tăng 19,6%, lên 10.981 người,…
Xét về số tuyệt đối thì VIB và Vietcombank là hai ngân hàng có số lượng nhân viên tăng nhiều nhất với thêm lần lượt 3.398 người và 3.291 người trong hơn 2 năm qua.
Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng trong khoảng thời gian trên lại tiến hành cắt giảm nhân sự để thích ứng tốt hơn với môi trường kinh doanh mới như VPBank giảm 1.158 nhân sự (tương đương giảm 4,3%), chủ yếu ở mảng FE Credit trong khi Eximbank giảm tới 1.229 nhân sự, tương đương 19,4% trong bối cảnh chưa thể thống nhất được bộ máy nhân sự tầng cao.
Hiệu quả làm việc tiếp tục cải thiện
Bất chấp cả nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đã và đang còn gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, hiệu quả của nhân viên ngân hàng tiếp tục được cải thiện rõ rệt mà nguyên do chủ yếu là nhờ những đầu tư về công nghệ mà các thành viên đã tiến hành từ mấy năm gần đây.
Cụ thể, khảo sát của BizLIVE cho thấy, có tới 20/22 thành viên ghi nhận lợi nhuận thuần bình quân/nhân viên/tháng tăng trưởng trong hơn 2 năm qua. Đáng chú ý, vượt qua cả nhóm "big 4" ngân hàng có vốn nhà nước, tại nhóm NHTMCP tư nhân ghi nhận nhiều thành viên có hiệu quả làm việc của nhân viên tăng trưởng mạnh, thậm chí tính bằng "lần".
VPBank là một ví dụ. Tại thời điểm cuối tháng 3/2022, ngân hàng này đang có 25.924 nhân viên, giảm 4,3% so với con số hồi cuối năm 2019. Tuy nhiên, hiệu suất làm việc của nhân viên lại tăng vọt tới 3 lần so với năm 2019.
Cụ thể, VPBank đạt lợi nhuận thuần trước rủi ro tín dụng 15.278 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 11.146 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng, tương đương 64% lợi nhuận thuần và vượt 8% con số lợi nhuận trước thuế đạt được trong cả năm 2019.
Theo đó, tính ra, mỗi nhân viên VPBank đã tạo ra 196,4 triệu đồng lợi nhuận thuần/tháng và 143,3 triệu đồng lợi nhuận trước thuế/tháng trong 3 tháng đầu năm nay.
So với con số đạt được trong năm 2019 là 73,9 triệu đồng lợi nhuận thuần/người/tháng và 31,8 triệu đồng lợi nhuận trước thuế/người/tháng, có thể thấy hiệu quả làm việc của nhân viên ngân hàng này đã tăng khá mạnh.
Tất nhiên, bên cạnh hiệu quả công việc được cải thiện, cũng cần phải nhấn mạnh mức lợi nhuận kỷ lục mà VPBank có được trong 3 tháng đầu năm có sự đóng góp khá lớn từ mảng bảo hiểm. Ngân hàng này mới đây đã gia hạn thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với AIA thêm 4 năm nữa, đồng nghĩa với việc ngân hàng ghi nhận một khoản phí trả trước không nhỏ vào lợi nhuận quý này.
Tương tự, với việc mỗi nhân viên đã tạo ra 189,6 triệu đồng lợi nhuận thuần/tháng và 95,9 triệu đồng lợi nhuận trước thuế/tháng, Techcombank đã vượt qua hàng loạt "ông lớn" như Vietcombank, VietinBank hay BIDV trở thành một trong những ngân hàng có nhân viên làm việc hiệu quả nhất hệ thống.
Một loạt các ngân hàng khác như SHB, LienVietPostBank hay Eximbank cũng ghi nhận hiệu quả làm việc tăng mạnh trong thời gian qua.
Thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng tăng mạnh
Hiệu quả làm việc khác nhau nên thu nhập nhân viên tại các nhà băng cũng có sự khác biệt khá lớn khi dao động từ 11 triệu đến hơn 44 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, một điểm chung là thu nhập tại phần lớn các ngân hàng đều có sự đi lên trong hơn 2 năm qua với mức lương và phụ cấp trung bình của nhóm đã tăng từ 19,7 triệu đồng/người/tháng lên 23,8 triệu đồng/người/tháng.
Dù chưa vào top dẫn đầu nhưng nhân viên tại ngân hàng OCB là ngân hàng có mức thu nhập tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm qua. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2022, lương và phụ cấp của nhân viên OCB đạt 24 triệu đồng/người/tháng, gấp tới 2,8 lần so với mức trung bình 8,5 triệu đồng trong năm 2019.
Tương tự, lương và phụ cấp của nhân viên HDBank cũng tăng gần gấp đôi trong hơn 2 năm, đạt 25,5 triệu đồng/người/tháng. Tại KienLongBank, con số này tăng 53,4%, Eximbank dù số lượng nhân viên bị cắt giảm mạnh nhất nhóm nhưng thu nhập của những người ở lại lại tăng tới 41,5%, Sacombank tăng 38,7%, SeABank tăng 30,9%,…
Xét về con số tuyệt đối, nhân viên Techcombank đang là những người có thu nhập bình quân cao nhất khi bình quân mỗi nhân viên nhận 44,7 triệu đồng/tháng trong 3 tháng đầu năm, tăng tới 65% so với mức thu nhập bình quân trong năm 2019 là 27,1 triệu đồng/người/tháng.
Lương và phụ cấp của nhân viên MB đang đứng thứ hai trong nhóm khảo sát khi đạt trung bình 35,3 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng qua, tăng 24,7% so với mức chỉ 28,3 triệu đồng/người/tháng trong năm 2019.
Ở chiều ngược lại, có 6/20 nhà băng ghi nhận thu nhập giảm sút trong kỳ khảo sát, trong đó, 3 trong số này là các "ông lớn" ngân hàng có vốn Nhà nước. Nếu như trong năm 2019, nhân viên Vietcombank là những người có thu nhập bình quân cao nhất khi bình quân mỗi nhân viên nhận 34,3 triệu đồng/tháng, thì đến 3 tháng đầu năm nay, con số này đã giảm xuống còn 32 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, lương và phụ cấp của nhân viên BIDV đã giảm từ 27,1 triệu đồng/người/tháng xuống còn 25,6 triệu đồng/người/tháng. Con số này của nhân viên VietinBank giảm nhẹ từ 27,4 triệu đồng/người/tháng xuống 27,3 triệu đồng/người/tháng.
BacABank là ngân hàng có thu nhập nhân viên giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm qua khi con số này đã giảm từ 19,1 triệu đồng/người/tháng trong năm 2019 xuống còn 15,2 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng đầu năm nay, tương đương mức giảm 20,4%. Tỷ lệ % giảm lương và trợ cấp tại Saigonbank là 12,4% trong khi tại MSB là 9,6%.
Xét về chi phí cho nhân viên, MB đang là ngân hàng có chi phí bình quân trên đầu người cao nhất, với 48,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 49,4% so với năm 2019.
Chi phí cho nhân viên tại ACB đang đứng thứ hai trong nhóm khảo sát, ở mức 47,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 67,8% sau hơn 2 năm.
Vietcombank, VietinBank và BIDV tiếp tục là các ngân hàng cắt giảm khá mạnh chi phí cho nhân viên trong thời gian qua.
Những tính toán trên được lấy dữ liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 và báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 của các ngân hàng, với số lượng nhân viên được tính là số chốt cuối kỳ trong khi số nhân viên thực tế trong kỳ của ngân hàng có thể biến động.
Do đó, mức thu nhập, chi phí bình quân cho nhân viên thực tế cũng như hiệu quả làm việc thực tế của nhân viên có thể dao động so với con số bài viết đưa ra.
Ngoài ra, nhân viên ở các bộ phận khác nhau, làm việc ở những vị trí khác nhau ở nhà băng cũng sẽ nhận mức thu nhập khác nhau, có hiệu quả làm việc khác nhau.
Mức thu nhập và hiệu quả, chi phí bình quân theo đó mang tính tương đối, phản ánh biến động chung ở nhóm ngân hàng này trong hơn hai năm qua.
Bizlive
- Sở hữu hàng trăm nghìn tỷ tiền gửi ngân hàng và chứng khoán, đây sẽ là ngành ''nhạy'' nhất với biến động giá cổ phiếu và lãi suất?
- Chuẩn bị công bố KQKD quý 2, liệu các ngân hàng có giữ được phong độ như quý 1?
- Tình hình cho vay bất động sản tại các ngân hàng
- TOP 5 tỷ lệ CASA gọi tên những ngân hàng nào?
- Lãi cho vay tăng mạnh hơn chi phí huy động, ngân hàng kiếm đậm từ mảng tín dụng