MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng bắt taxi đi làm, ngân sách vẫn nặng gánh cho 37.000 xe công

Trong khi các Thứ trưởng Bộ Tài chính bắt taxi đi làm theo chủ trương khoán xe thì hệ thống xe công và đội lái xe vẫn chưa thể giảm ngay khiến nhiều chuyên gia tiếp tục đặt vấn đề tính toán hiệu quả và chi phí hoạt động này.

Yêu cầu của Bộ Tài chính về khoán xe công cho các Thứ trưởng và Tổng cục trưởng được đưa ra trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn nhận được rất nhiều sự quan tâm. Với hơn 37.000 xe công được sử dụng trên cả nước, tình trạng dư thừa xe công và lãng phí ngân sách tới hơn 1 tỷ USD đang tạo nên gánh nặng lớn cho ngân sách.

Trong cuộc họp mới đây của Bộ Tài chính, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục quản lý công sản thông tin rằng việc khoán xe công cho các Thứ trưởng, Tổng cục trưởng có thể giúp tiết kiệm được rất nhiều ngân sách. Tuy nhiên, với hình thức như hiện nay thì việc này phải là từ từ, thận trọng và có lộ trình, bởi khoán xe nhưng không đồng nghĩa với việc là giảm được ngay đội lái xe và số lượng xe công.

Không thể giảm ngay xe công và đội lái

Khoán xe công đã bắt đầu bằng sự tự nguyện, nhưng việc làm được xem là tiên phong này của Bộ Tài chính được các chuyên gia nhìn nhận là chưa đi thẳng vào bản chất của câu chuyện xe công là tiền ngân sách tiêu tốn nhiều nhất cho xe công không phải là chi phí xăng xe, mà chính là số lượng xe quá lớn và đội ngũ lái xe đi kèm.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc khoán xe công theo cách Bộ Tài chính làm thực ra mới chỉ dành cho đối tượng dễ tính toán nhất và công đoạn đơn giản nhất là từ nhà đến cơ quan, chứ chưa khoán chi phí công tác, và cũng chưa phải có cơ chế điển hình để áp dụng chung được:

“Khoán từ nhà đến cơ quan thì minh bạch dễ tính toán nhưng không giải quyết được nhiều, vì lộ trình từ nhà đến cơ quan thì không lớn. Chạy từ cơ quan đi các nơi mới là tốn kém và khó khoán nhất. Trong câu chuyện này, bản chất là tính toán các công đoạn hoặc các yếu tố khoán gắn liền từ cơ quan tới các địa phương, các nơi đi công tác. Tránh lạm dụng và cũng tránh trốn việc sau khi nhận khoán” – ông Phong nói.

Bên cạnh đó, chuyện khoán xe công mới chỉ dừng lại ở hình thức giảm phương tiện đưa đón, đi lại từ nơi ở đến nơi làm việc, trong khi vấn đề gốc rễ của chuyện xe công là hệ thống xe khá lớn, chi phí nuôi xe, cán bộ lái xe rất nhiều. Theo Cục quản lý công sản, chi phí nuôi mỗi xe công trung bình là 320 triệu dồng (gồm chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu…) là con số chưa phù hợp với bối cảnh ngân sách như hiện nay.

Theo quy định hiện hành, cấp bộ chỉ có bộ trưởng, thứ trưởng, còn địa phương chỉ có chủ tịch, bí thư được xe công đưa đón. Song trên thực tế, tại nhiều bộ, nhiều địa phương, những người không thuộc chế độ đưa đón bằng xe công vẫn mặc nhiên sử dụng, thậm chí còn mang xe công đi làm việc riêng, gây lãng phí ngân sách và bức xúc trong dư luận.

Cần có nghị quyết riêng về xe công

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Bộ Tài chính cần tiếp tục mở rộng mức độ khoán và đối tượng khoán, hoàn thiện cơ chế khoán để áp dụng chung cho các bộ ngành.

Theo đó, ông Doanh cho rằng cần có riêng một Nghị định về khoán xe công, quy định rõ ràng về việc khoán xe công như thế nào, ai được đi xe công và hạn chế tối đa đưa đón xe công từ nhà đến nơi làm việc. Đặc biệt, cần phải nghiêm cấm các chức danh không đủ tiêu chuẩn lạm dụng xe công cho các mục đích riêng.

“Đây là vấn đề mà Chính phủ cần phải làm quyết liệt vì ngân sách giờ đang thiếu hụt rất nghiêm trọng. Thời điểm này rất cần thiết và người dân ủng hộ” – ông Doanh nói.

Tuy nhiên, hiện số xe chức danh cả nước hiện có khoảng 900 chiếc trong tổng số xe công khoảng 37.000 chiếc. Đại diện Cục Quản lý Công sản – Bộ Tài chính cho rằng, chưa thể đồng loạt áp dụng việc khoán xe công tại các bộ và các địa phương trên cả nước.

Cũng bởi cơ chế khoán xe công thường chỉ khoán được với một số chức danh nhất định và phải có lộ trình. Điều này phụ thuộc vào địa bàn, đặc điểm từng nơi và đảm bảo được an ninh, an toàn. Song với vai trò là cơ quan quản lý tài sản nhà nước thì Bộ Tài chính đang nghiên cứu việc nhân rộng mô hình khoán xe và tính toán sao cho phù hợp.

“Chúng tôi cũng đang nghiên cứu một số địa bàn, một số lĩnh vực hoạt động có thể khoán bắt buộc với chức danh chỉ sử dụng xe đi công tác. Ví dụ các cơ quan đơn vị chỉ có 1 người chức danh 0,7 hoặc 0,8 nếu theo quy định vẫn được mua xe, mình sẽ tính, chỉ có cấp sở, cấp quận huyện trở lên được trang bị 2 xe, còn cấp thấp hơn vẫn được tiêu chuẩn sử dụng xe nhưng phải nhận kinh phí khoán. Như thế mới giảm số lượng xe được. Khu vực nào, chức danh nào khoán thì vẫn đang nghiên cứu. Chậm nhất khi nào có Nghị định hướng dẫn luật này.” – ông Thắng nói.

N. An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên