MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Bộ Công thương: Thép Việt - Trung cũng muốn ra khỏi nhóm các dự án yếu kém thua lỗ để được bạn hàng nhìn nhận là doanh nghiệp bình thường

Công ty thép Việt – Trung bày tỏ mong muốn được rời khỏi nhóm 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ. Bộ Công thương đã chuyển kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ.

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 (chiều 02/6), đại diện Bộ Công thương đã có giải thích về việc xin rút 1 dự án khỏi danh sách 12 dự án yếu kém, thua lỗ nghìn tỷ.

"Tiêu chí của nhóm là các dự án thua lỗ, yếu kém. Bây giờ Dự án thép Việt – Trung đã có lãi. Doanh nghiệp cũng muốn ra khỏi nhóm yếu kém. Vì khi ra khỏi nhóm thì bạn hàng sẽ nhìn nhận đây là doanh nghiệp bình thường. Chúng tôi cũng đã chuyển ý kiến này lên Thủ tướng" – ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nói.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Công ty thép Việt – Trung đã đạt số lãi 411 tỷ đồng trong năm 2017. Con số trong 5 tháng đầu năm 2018 là gần 500 tỷ đồng.

Sẽ lấp mỏ titan ở Phan Thiết để phát triển du lịch?

Liên quan đến 21 dự án chậm tiến độ tại Phan Thiết, ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, UBND tỉnh Bình Thuận được phép thu hồi khi chủ đầu tư không triển khai dự án.

Tuy nhiên, những dự án này đang gặp khó khăn khi giá titan không được như kế hoạch. Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề xuất Chính phủ xử lý các dự án này. Phương án xử lý có thể là tạm thời lấp mỏ và sẽ khai thác khi thị trường thuận lợi. Trước mắt có thể phát triển du lịch.

Cung cấp thêm thông tin, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, vấn đề ở Phan Thiết đã được báo cáo lên Chính phủ vào hôm trước. Các doanh nghiệp khai khoáng đã thực hiện đúng theo phê duyệt của Thủ tướng. Nhưng do giá titan không được như kỳ vọng nên một số dự án đã ngưng trệ. Trong đó, có cả dự án đã đầu tư hơn 10 năm, dự án chế biến sâu,.. bên cạnh dự án khai thác thô.

"Tỉnh đề xuất rằng, trong lúc chưa khai thác thì cho phép đưa vào dự trữ quốc gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến, Bộ Công thương cũng đồng ý việc chuyển tài nguyên vào dự trữ quốc gia theo hạn định. Hiện tại có thể lấp mỏ để phát triển du lịch, năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) trong 20 -50 năm. Nhưng đối với dự án đã cấp cho doanh nghiệp thì phải ưu tiên sự quyết định của doanh nghiệp. Trong trường hợp họ không đầu tư vào mục đích khác thì trực tiếp đàm phán, bồi hoàn thoả đáng cho doanh nghiệp đã đầu tư, tránh khiếu kiện" – ông Đỗ Thắng Hải nói.

An Bình

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên