MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ ra 3 cách tiếp cận mới với công nghiệp hóa của Việt Nam

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ ra 3 cách tiếp cận mới với công nghiệp hóa của Việt Nam

Trong báo cáo “Cạnh tranh công nghiệp” của UNIDO, chỉ số cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam xếp thứ 38/152 trên thế giới, chuyển từ nhóm các nền kinh tế đang phát triển lên nhóm các nền kinh tế công nghiệp mới nổi.

Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021 được tổ chức dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương và các đơn vị liên quan. Chủ đề của phiên hội thảo chuyên đề 1 là  “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Những chuyển biến tích cực của công nghiệp Việt Nam 

Công nghiệp chế biến chế tạo  ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế với mức đóng góp cho GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020. Trong đó, tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ trung bình và cao chiếm 40% giá trị gia tăng và kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành chế biến chế tạo. 

Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp có trình độ trung bình cao và công nghệ cao, giảm tỷ trọng các ngành công nghiệp có trình độ công nghệ thấp. Đặc biệt, sự nổi lên của các ngành công nghiệp mới như điện tử cùng với các ngành công nghiệp truyền thống (dệt may, da giày) vẫn duy trì vai trò tạo việc làm và đóng góp trong GDP.

Trong báo cáo “Cạnh tranh công nghiệp” của UNIDO, Việt Nam đã chuyển từ nhóm các nền kinh tế đang phát triển lên nhóm các nền kinh tế công nghiệp mới nổi. Điều đó cho thấy Việt Nam đang cải thiện vị trí của mình trên phương diện cạnh tranh toàn cầu. 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ ra 3 cách tiếp cận mới với công nghiệp hóa của Việt Nam - Ảnh 1.

Nguồn: IEC Group

Tuy nhiên, giá trị gia tăng ngành chế biến chế tạo (MVA) bình quân đầu người vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. MVA của Việt Nam là  394 USD so với Malaysia 2.473 USD, Thái Lan 1.728, Indonesia 774 USD, Philippines 680 USD. 

Công nghiệp Việt Nam hiện nay đã đạt được một số thành tựu nhất định, song cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn tới đây. Trong 3 năm qua, quá trình chuyển đổi tương đối chậm chạp, ít thay đổi do nguồn lực, nội lực của các doanh nghiệp còn hạn chế, các chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa nhiều. 

Những điểm nghẽn của ngành công nghiệp Việt Nam

Trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, trong giai đoạn tới có một số điểm nghẽn sau cần được giải quyết. Thứ nhất, nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn thấp, giá trị gia tăng tạo gia còn chưa cao. Nền công nghiệp hiện nay vẫn còn chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phụ tùng linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu… 

Thứ hai, nguồn lực công nghiệp vẫn còn yếu kém: tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, thiếu tính liên kết giữa khu vực sản xuất với các cơ sở đào tạo, đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp công nghiệp còn thiếu kinh nghiệm cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, thiếu nền tảng lý thuyết khoa học về quản trị sản xuất, không có cơ hội tiếp cận với các phương pháp quản lý sản xuất hiệu quả. 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ ra 3 cách tiếp cận mới với công nghiệp hóa của Việt Nam - Ảnh 2.

Nguồn: IEC Group

Thứ ba, trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp còn thấp. Theo khảo sát của Bộ Công Thương về mức độ sẵn sàng của các ngành công nghiệp Việt Nam trước Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4), đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cuộc CMCN4, doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh. 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định: “Đấy là những  đánh giá từ năm 2018. Còn năm nay là năm 2021 rồi, thì tất nhiên nó cũng có những sự chuyển biến mà tôi nghĩ rằng là cũng là tương đối tích cực.” 

Cuối cùng, nguồn lực xã hội chưa tập trung nhiều đầu tư vào sản xuất.  Khu vực sản xuất yêu cầu lượng vốn đầu tư lớn dài hạn. Trong khi đó, nguồn lực xã hội đầu tư vào sản xuất rất hạn chế do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác như bất động sản, tài chính.

3 tư duy và cách tiếp cận mới đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Trong bối cảnh mới của thế giới và Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương nêu ra 3 điểm cốt lõi trong đổi mới tư duy và cách tiếp cận. 

Thứ nhất, chuyển đổi tư duy phát triển từ phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài sang chủ động phát triển nội lực, đẩy mạnh sáng tạo, vươn lên làm chủ công nghệ, phục vụ cho nền công nghiệp nước nhà.

Thứ hai, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu công nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất để trở thành động lực nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất. 

Thứ ba, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải đặt trong xu thế phát triển công nghiệp toàn cầu nhưng cũng phải phù hợp với hiện trạng phát triển và nền tảng công nghiệp trong nước. 

Đặng Sơn

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên