MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Giao thông chỉ hướng 'giải cứu' sân bay Tân Sơn Nhất

Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) sẽ luôn tồn tại song hành với sân bay Long Thành (Đồng Nai) trong tương lai.

Thông tin được Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ khẳng định tại Tọa đàm Cách nào đẩy nhanh tiến độ mở rộng Tân Sơn Nhất, do Báo Giao thông tổ chức chiều 19/3.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, từ 3 năm trước (2015), vấn đề giải cứu, giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất đã được bàn tới. Thực tế, từ đó tới nay nhiều giải pháp đã được thực hiện, như xây dựng cầu vượt phía ngoài sân bay, tổ chức lại giao thông để giảm ùn tắc, quá tải.

Đồng thời, Bộ Quốc phòng cũng bàn giao thêm đất để mở rộng sân bay, đường kết nối cảng; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chưa bao giờ phải thực hiện nhiều giải pháp như trong thời gian qua, như thêm điểm đỗ, đường lăn, tổ chứ lại giờ cất hạ cánh, vùng trời tiệm cận...

Nhờ đó, cao điểm Tết vừa qua, có thời điểm Tân Sơn Nhất đã thực hiện lên tới 902 chuyến cất/hạ cánh trong 1 giờ.

Theo ông Thọ, hiện giải pháp chính cho Tân Sơn Nhất là làm nhà ga T3, Bộ GTVT đã có những nghiên cứu, đề xuất, về vị trí nhà ga, ảnh hưởng tới địa phương; tương quan với việc đầu tư hoặc không đầu tư sân bay Long Thành.

Ngoài nhà ga T3, theo lãnh đạo Bộ GTVT, sẽ đầu tư thêm đường lăn, sân đõ tàu bay, đường ra vào, hệ thống giao thông tiếp cận... Hiện Bộ GTVT đã trình Thủ tướng giao ACV đầu tư nhà ga T3. Nếu nhanh nhất (tức chỉ định thầu) phải mất tối thiểu 40 tháng.

“Tuy nhiên, sẽ không làm thêm đường cất hạ cánh. Nhân đây, tôi cũng khẳng định, Tân Sơn Nhất sẽ luôn tồn tại song hành với Long Thành. Do đó, tới đây cần đầu tư đồng bộ Tân Sơn Nhất để đảm bảo khai thác hiện đại và bền vững”, ông Thọ nói.

Chủ tịch HĐQT Lại Xuân Thanh cho biết thêm, hiện đơn vị này đang nghiên cứu báo cáo khả thi sân bay Long Thành, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.

Ông Thanh cũng khẳng định, Tân Sơn Nhất và Long Thành sẽ là cụm cảng cho khu vực phát triển phía Nam, không thể tách rời.

“Khi xong giai đoạn 1 của sân bay Long Thành chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào làm giai đoạn 2. Tuy nhiên, giai đoạn 2 của Long Thành sẽ đầu tư trong dài hạn. Do đó, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất phải làm luôn. Khi xong T3 sẽ dồn lực cho sân bay Long Thành”, ông Thanh nói và bổ sung, công suất 50 triệu hành khách sẽ là giới hạn cuối của Tân Sơn Nhất.

Theo ông Thanh, hiện Tân Sơn Nhất đáp ứng được tối đa 260 - 270 nghìn lượt cất hạ cánh/năm. Trong năm 2019, dự báo con số này sẽ chạm ngưỡng 250 nghìn lượt cất hạ cánh. Khi tới ngưỡng sẽ không thể cấp phép thêm.

Trong năm 2018, Tân Sơn Nhất đón 38,3 triệu hành khách, trong khi nhà ga chỉ có công suất thiết kế 28 triệu.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên