MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thư từ Mỹ: Những tín hiệu đáng lo về lạm phát

21-05-2022 - 20:20 PM | Tài chính quốc tế

Thư từ Mỹ: Những tín hiệu đáng lo về lạm phát

Lạm phát giảm nhẹ vào tháng 4 sau nhiều tháng tăng cao nhưng gần mức cao nhất trong 4 thập kỷ, gây nhiều khó khăn cho hàng triệu hộ gia đình Mỹ.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,3% trong tháng rồi nếu so với 1 năm về trước - theo báo cáo của chính phủ Mỹ. Con số này đã giảm nhẹ so với mức tăng 8,5% trong tháng 3 - mức cao đỉnh điểm từ năm 1981 đến nay.

Tuy vậy, báo cáo cũng chứa đựng những dữ liệu đáng lo về lạm phát, như giá những mặt hàng cơ bản trong tháng 4 tăng gấp đôi so với tháng 3. Giá cả còn leo thang bởi giá vé máy bay, chi phí đặt phòng khách sạn và giá xe hơi tăng đột biến. Phí thuê căn hộ cũng liên tục tăng.

Báo cáo cũng nêu bật những thử thách dành cho Cục Dự trữ Liên bang (FED) và Nhà Trắng trong việc kiềm chế lạm phát. Ngay cả khi giá cả được kiểm soát tốt hơn, lạm phát vẫn có thể ở mức cao cho đến năm 2023 - theo phân tích của nhiều nhà kinh tế học. Điều này dẫn đến việc nhiều người Mỹ có thể bị áp lực khi giá cả tăng nhanh hơn so với tiền lương.

Thư từ Mỹ: Những tín hiệu đáng lo về lạm phát - Ảnh 1.

Một phụ nữ sống tại TP Phoenix, bang Arizona - Mỹ bày tỏ nỗi lo về lạm phát khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters hôm 20-4 Ảnh: Reuters

Giá hàng tạp hóa và thực phẩm vẫn đang tăng, một phần vì cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tạo áp lực lên mặt bằng giá chung của ngũ cốc. Giá thực phẩm trong tháng 4 tăng 1% so với tháng trước và tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉ lệ tăng theo năm này đạt mức cao nhất từ năm 1980.

Những biến động trên thế giới có thể làm tăng lạm phát trong những tháng tới. Nếu Liên minh châu Âu quyết định cấm nhập khẩu dầu từ Nga, giá dầu thế giới sẽ còn tăng và giá xăng ở Mỹ cũng tăng theo. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đóng cửa vì dịch Covid-19 có thể đe dọa hệ thống cung ứng toàn cầu.

Để đưa lạm phát về mức 2%, FED đã nâng lãi suất vào tháng 3 và tháng 5, có thể sẽ có thêm 5 đợt tăng trong năm nay. Lãi suất cho vay tăng với kỳ vọng sẽ giảm tốc độ phát triển của nền kinh tế (nhằm khống chế lạm phát).

FED còn đang tìm cách tác động đến nền kinh tế đủ để giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái dù biết rằng chuyện này không dễ dàng. Các nhà kinh tế học cho rằng chuyện này khả thi nhưng khó có thể đạt được với mức lạm phát cao như hiện nay.

Một trong những điều FED lo lắng là người dân có thể bắt đầu quen với mức lạm phát cao, khiến việc kiểm soát giá cả trở nên khó khăn hơn. Nếu người dân quen với giá cả leo thang, họ có thể yêu cầu tăng lương. Chi phí lao động cao hơn có thể buộc doanh nghiệp nâng giá bán sản phẩm, hậu quả là lạm phát lại tăng vọt.

Theo Ngân Hà

Người Lao động

Trở lên trên