MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thư từ nước Mỹ: Một nửa ủ ê như nhà có đám, nửa còn lại tưng bừng, nhưng dù sao nước Mỹ vẫn trụ vững

08-11-2020 - 09:08 AM | Tài chính quốc tế

Người Mỹ nên cảm thấy mừng vui bất kể kết quả bầu cử thế nào.

Thông thường, người dân sẽ biết kết quả bầu cử vào cuối ngày bầu cử, ngày 3 tháng 11. Đó là lý do tại sao suốt 200 năm qua ngày này được gọi một cách rất sáng suốt là Ngày Bầu Cử. Nhưng ngày này năm nay, các lá phiếu vẫn đang tiếp tục được nhập liệu và các khiếu kiện pháp lý phản đối kết quả bầu cử đang được khởi động. Thêm vào đó, cử tri đã bắt đầu bỏ phiếu từ đầu tháng 10, khiến việc bỏ phiếu cảm giác như không bao giờ kết thúc.

Lúc này, một nửa đất nước đang ủ ê như nhà có đám, nửa còn lại đang tưng bừng.

Bất kể người chiến thắng là ai, cuộc bầu cử này giúp người ta hiểu rõ hơn về nền dân chủ và chính trị Mỹ.

Ngay từ cuối năm 2016, trước khi ông Trump nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/01/2017, đảng Dân chủ đã sử dụng mọi vũ khí trong tay để tô vẽ ra một Tổng thống bất hợp pháp. Ông đã bất ngờ đánh bại bà Hillary Clinton, người được phe Dân chủ mặc định là Tổng thống. Kể từ đó, ông phải trả giá.

Đảng Dân chủ, khi đó, đã cố gắng vô hiệu hóa kết quả bầu cử ở một số bang quan trọng; bắt đầu chiến dịch để hăm dọa các quan chức đảng Cộng hòa trong công việc của họ; tổ chức cuộc tuần hành với cả triệu người tham gia ở Washington chỉ 1 ngày sau khi ông Trump nhậm chức; khởi động cuộc điều tra hình sự tiêu tốn 48 triệu USD tiền thuế nhằm đưa ra các tài liệu rằng ông Trump là một điệp viên của Nga; tiến hành luận tội Tổng thống vì một cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Ukraine… và rất nhiều việc khác.

Điều mỉa mai là trong khi làm những việc này, phe Dân chủ dành phần lớn thời lượng mùa tranh cử để cảnh báo nước Mỹ rằng nếu ông Trump không đắc cử thì ông ấy sẽ tìm mọi cách phá hỏng nền dân chủ.

Năm 2016 và, một lần nữa, năm 2020, ông Trump đã nhận được một nửa số phiếu bầu của người dân Mỹ - mỗi lần, hơn 70 triệu người đã bỏ phiếu cho ông. Điều này cho thấy ông ấy đã được bầu hợp pháp như bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào khác. Những nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm làm mất uy tín của Tổng thống, cản phá việc điều hành đất nước của ông ấy là việc không đúng với tinh thần dân chủ. Và ông Trump đã vượt lên trên mọi cản trở.

 Thư từ nước Mỹ: Một nửa ủ ê như nhà có đám, nửa còn lại tưng bừng, nhưng dù sao nước Mỹ vẫn trụ vững - Ảnh 1.

Giống như trường hợp năm 2016, tất cả các cuộc thăm dò đều sai, sai hoàn toàn, sai một cách đáng hổ thẹn. Hầu hết các cuộc thăm dò đều cho thấy ông Biden dẫn trước từ 8 đến 10 điểm phần trăm trên toàn quốc trong sáu tháng qua. Cuộc thăm dò sai lệch, đặc biệt là của báo Washington Post - một trong những tờ báo chống Trump dữ dội nhất - một tuần trước còn đưa ra kết quả là ông Biden dẫn trước 17 điểm phần trăm, trong khi số phiếu thực tế chỉ chênh lệch khoảng 2 điểm phần trăm.

Frank Lutz, một chuyên gia bầu cử uy tín ở Mỹ đã gọi những kết quả này là "vi phạm nguyên tắc thăm dò". Ông tuyên bố rằng hoàn toàn không có chuyện các kết quả này vô tình mà trở nên như vậy. Nhiều chuyên gia đang kêu gọi điều tra các công ty thăm dò. Ông Lutz thì tin rằng các công ty thăm dò đã tự ném đi miếng bánh của chính mình.

 Thư từ nước Mỹ: Một nửa ủ ê như nhà có đám, nửa còn lại tưng bừng, nhưng dù sao nước Mỹ vẫn trụ vững - Ảnh 2.
 Thư từ nước Mỹ: Một nửa ủ ê như nhà có đám, nửa còn lại tưng bừng, nhưng dù sao nước Mỹ vẫn trụ vững - Ảnh 3.

Các phương tiện truyền thông chính thống đã tập hợp lực lượng để chống lại Tổng thống Trump sau khi chính họ chứ không phải ai khác đã ra sức tâng bốc ứng cử viên Trump năm 2016. Sau khi Trump đắc cử, Washington Post, NY Times, CNN, các kênh truyền hình và báo chí khác đã bắt tay với nhau trong một nỗ lực ngăn cản Tổng thống bằng mọi cách có thể. Họ đã thay đổi tiêu chí về tính khách quan và công bằng của báo chí để chấp nhận: hoàn toàn thiên kiến, lấy danh nghĩa nguồn tin giấu tên, thông tin sai lệch…

Các nghiên cứu của Đại học Harvard và các nguồn đáng tin cậy khác cho thấy 90% -95% tin bài về ông Trump là tin tiêu cực. Các bài bình luận cũng không có gì tốt đẹp.

NY Times, Washington Post, Wall Street Journal, USA Today, CNN và nhiều báo khác có các công ty trực thuộc chuyên về điều tra thăm dò. Họ đã tổ chức thực hiện các cuộc thăm dò ở quy mô lớn trong năm 2016 và 2020. Ông Lutz tuyên bố các cuộc thăm dò sai đã được cố ý làm như vậy để gây thiệt hại cho ông Trump.

 Thư từ nước Mỹ: Một nửa ủ ê như nhà có đám, nửa còn lại tưng bừng, nhưng dù sao nước Mỹ vẫn trụ vững - Ảnh 4.

Ảnh: New Stateman

Mối nguy thực sự là việc báo chí đưa tin về chiến dịch tranh cử dựa trên kết quả của các cuộc thăm dò. Vậy là, các cuộc thăm dò phủ sóng đầy các kênh truyền thông, và cả hai cùng bỏ qua mọi tiêu chí về tính tin cậy. Các tờ báo và các công ty thăm dò đã cố ý loại bỏ những thông tin khách quan mà cử tri Mỹ cần có để lựa chọn ứng cử viên, đánh giá chính sách và thực hiện giám sát.

Hãy thử phân tích việc sử dụng kết quả thăm dò trên báo chí. Báo chí Mỹ đã làm mọi cách để người Mỹ lo sợ họ có thể nhiễm Covid-19 nếu đích thân đi xếp hàng bỏ phiếu trực tiếp, rằng cứ để người phe Cộng hoà bỏ phiếu trực tiếp còn người phe Dân chủ hãy chọn bỏ phiếu qua thư. Chiến lược của họ thất bại: tỷ lệ bỏ phiếu của kỳ bầu cử năm nay đạt mức kỷ lục.

Báo chí lại rùm beng về một "làn sóng xanh", hàm ý về một làn sóng lớn cử tri Dân chủ bỏ phiếu cho ông Biden, mang lại một chiến thắng áp đảo. Rồi tiếp tục rêu rao rằng "làn sóng đỏ" của những người Cộng hoà chỉ là một "ảo ảnh đỏ", hàm ý rằng số lượng lớn cử tri bỏ phiếu cho ông Trump chỉ là điều tưởng tượng. Kết quả chứng minh điều ngược lại.

Tương tự như vậy, tần suất đưa tin tiêu cực chưa từng có về Donald Trump chẳng tạo ra được điều gì khác biệt. Cử tri đã không bị ảnh hưởng bởi sự nhiễu loạn của truyền thông. Tại sao? Bởi ông Trump đã tận dụng rất hiệu quả các cuộc họp báo hàng ngày, những dòng trạng thái không có giờ nghỉ trên Twitter, và những sự kiện tuần hành tranh cử trực tiếp không mệt mỏi – truyền thông của ông là không cần đến truyền thông.

Điều tuyệt vời là người dân Mỹ đã nhìn thấu tất cả những nỗ lực thao túng của truyền thông. Có thể, người Mỹ tìm hiểu thông tin từ các phương tiện truyền thông xã hội và phương tiện truyền thông thay thế. Quan trọng hơn cả, họ đang lọc đi những tạp âm.

 Thư từ nước Mỹ: Một nửa ủ ê như nhà có đám, nửa còn lại tưng bừng, nhưng dù sao nước Mỹ vẫn trụ vững - Ảnh 5.

Với các cuộc biểu tình của Phong trào Black Lives Matter đốt phá nước Mỹ trong 6 tháng qua, đảng Dân chủ đã quyết định biến đó thành chủ đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống với thông điệp: Mỹ là một quốc gia phân biệt chủng tộc sâu sắc và việc này cần phải được giải quyết. Ông Trump và đảng Cộng hòa bị dán nhãn phân biệt chủng tộc.

Cuộc bầu cử năm 2020 lại cho thấy một thực tế khác hẳn. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Trump làm được nhiều việc cho người da đen: tạo ra một nền kinh tế sôi động, bao trùm; hỗ trợ các trường Đại học và Cao đẳng dành cho người da đen; cải cách tư pháp hình sự và quy trình kết án tù giam; đồng thời phát triển một chương trình đầu tư 500 tỷ USD dành cho các cộng đồng người thiểu số. Đảng Cộng hòa cũng tiếp cận các nhóm thiểu số để thu hút họ trở thành cử tri Cộng hoà và nắm các chức vụ trong đảng.

Kết quả là 12% trong tổng số cử tri bỏ phiếu cho ông Trump là người da đen và 24% là người Mỹ gốc La tinh – đây là một kỷ lục của đảng Cộng hòa.

Mỹ không phải là một quốc gia phân biệt chủng tộc. Phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại trong xã hội nhưng không phải là tình trạng bao trùm nước Mỹ. Một nghiên cứu gần đây cho thấy nhận thức về phân biệt chủng tộc thực sự giảm dưới thời Tổng thống Trump so với thời của người tiền nhiệm.

 Thư từ nước Mỹ: Một nửa ủ ê như nhà có đám, nửa còn lại tưng bừng, nhưng dù sao nước Mỹ vẫn trụ vững - Ảnh 6.

Nguồn tiền đổ vào các cuộc bầu cử năm 2020 đã lên đến 11-14 tỷ USD, bao gồm cả các khoản tài trợ hợp pháp và các khoản "tiền đen" – gần gấp đôi số tiền của năm 2016. Phe Dân chủ đã chi 400 triệu USD cho chiến dịch đánh bại các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ở tiểu South Carolina, Iowa, North Carolina và Kentucky nhằm giành quyền kiểm soát Thượng viện. Nhưng họ không thành công. Phải kể đến việc cựu thị trưởng thành phố New York, tỷ phú Michael Bloomberg của phe Dân chủ đã chi 500 triệu USD để tranh cử tổng thống, và chi thêm 100 triệu USD nữa vào tiểu bang Florida để vận động cử tri ở đó bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. Ông cũng không thất bại.

 Thư từ nước Mỹ: Một nửa ủ ê như nhà có đám, nửa còn lại tưng bừng, nhưng dù sao nước Mỹ vẫn trụ vững - Ảnh 7.

Cuộc bầu cử năm 2020 là cuộc bầu cử đáng quên nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cuộc bầu cử này đã hé lộ một thực tế xấu xí rằng các chính trị gia và người ủng hộ của họ không từ một thủ đoạn nào để giành quyền lực. Và thêm nữa, các chính phủ nước ngoài và các tác nhân xấu không nề hà bất kỳ nỗ lực nào để gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

 Thư từ nước Mỹ: Một nửa ủ ê như nhà có đám, nửa còn lại tưng bừng, nhưng dù sao nước Mỹ vẫn trụ vững - Ảnh 8.

Bản thân tôi cho rằng dù thế nào đi nữa thì nước Mỹ vẫn trụ vững sau tất cả những điều này, có lẽ đã vô cùng khó khăn, nhưng quan trọng là nước Mỹ vẫn đứng vững. Người dân Mỹ đã thắng. Và chính phủ hợp hiến được xây dựng từ thời lập quốc đã chống chọi thành công trước những nỗ lực làm tổn hại nó.

Người Mỹ nên cảm thấy mừng vui bất kể kết quả bầu cử thế nào.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Theo Tiến sỹ Terry F. Buss – Chuyển ngữ: Đào Thuý

Tổ Quốc

Trở lên trên