Thủ tục hành chính “cản” phát triển nhà ở xã hội tại TPHCM
Do vướng mắc về thủ tục hành chính và bất hợp lý trong chính sách phát triển nên chương trình nhà ở xã hội tại TP HCM thực hiện chậm trễ.
- 10-10-2016Hưng Yên lần đầu tiên có nhà ở xã hội
- 10-10-2016Tin mừng cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
- 08-10-2016Gói hỗ trợ lãi suất 4,8% mua nhà ở xã hội vẫn ách tắc
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP HCM, địa phương này hiện có khoảng 480.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang ở chung với cha mẹ, người thân, 1,2 triệu người nhập cư và khoảng 143.000 hộ thu nhập thấp có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Nhu cầu thì nhiều nhưng không mấy người tiếp cận được với loại hình nhà ở này.
Anh Nguyễn Văn Khánh, một kiến trúc sư ở phường Hiệp Thành, Quận 12 nói: “Lương của tôi được nhận qua ngân hàng BIDV thì chỉ 7,8 triệu thôi, nhưng chủ đầu tư nói tôi phải chứng minh thu nhập hơn 10 triệu một tháng để được ngân hàng giải ngân thì mới mua được căn hộ. Ngoài trường hợp của tôi thì tôi thấy nhiều công nhân viên chức và dân văn phòng rất khó có được căn hộ nhà ở xã hội tại TP HCM”.
Từ khi có Luật nhà ở 2005, TP HCM đã triển khai các quy định về phát triển nhà ở xã hội như: dành 20% quỹ đất từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để làm nhà ở xã hội; hoán đổi mặt bằng nhà xưởng làm quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước cho nhà đầu tư… Từ 2006 đến nay, TP HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư 51 dự án nhà ở xã hội.
Cũng trong thời gian này, gần 49.000 căn nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng trên diện tích đất 150 ha. Đến thời điểm này, chỉ có 12 dự án với quy mô hơn 3.900 căn nhà ở xã hội tại TP HCM được hoàn thành, trong đó 6 dự án sử dụng vốn ngân sách và 6 dự án vốn ngoài ngân sách. Cũng mới có hơn 7.500 người được duyệt mua nhà ở xã hội trong suốt 10 năm nay là một minh chứng cho sự yếu kém của TP HCM trong công tác này.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020, thành phố đầu tư xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 45.000 căn. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM nói: “Chúng ta cần khắc phục, tháo gỡ những khó khăn trong công tác này, trên cơ sở phải hài hòa lợi ích của chủ đầu tư, của doanh nghiệp và của người dân. Tất nhiên, chúng ta cũng đã có khắc phục trong Luật xây dựng, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản mới đây. Tuy nhiên, chúng ta không thể nói là đã làm tốt. Nếu làm tốt thì 10 năm nay đã khác”.
Theo ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần địa ốc Hoàng Quân, vướng mắc đối với doanh nghiệp khi làm nhà ở xã hội tại TP HCM là chậm giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính rườm rà. Bên cạnh đó, giá bán cũng bị khống chế không vượt quá 15 triệu đồng 1m2 là chưa hợp lý bởi những dự án ở vị trí đẹp thì chí phí đầu tư rất cao và chất lượng tương đương với nhà ở thương mại.
Ông Trương Anh Tuấn nói: “Bộ Xây dựng cũng đã có quy định. Chủ trương của TP HCM cũng đã có rồi. Vấn đề còn lại là sự phối hợp giữa các sở, ngành tại địa phương và các ngân hàng chi nhánh. Sự đồng bộ trong khâu thủ tục hành chính, theo tôi là rào cải lớn nhất mà chúng ta phải làm tốt hơn nữa thời gian tới”.
Với mức tăng dân số như hiện nay, dự báo đến năm 2020, TP HCM cần 81.000 căn nhà ở xã hội. Để có thể đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu đó, thành phố cần rà soát lại quỹ đất để làm cơ sở quy hoạch phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, có chính sách thu hút đầu tư của doanh nghiệp, bố trí nguồn vốn hợp lý để phát triển nhà ở xã hội./.
VOV