MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Có 4/14 vấn đề dân lo lắng thuộc ngành tài nguyên

Thủ tướng yêu cầu cán bộ, viên chức ngành tài nguyên nói thẳng, nói thật về các vướng mắc, bức xúc, các vấn đề nổi cộm cần tập trung xử lý của ngành...

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 2019 của ngành tài nguyên và môi trường ngày 8/1, khi nói về những tồn tại, hạn chế của ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn thông tin từ một cuộc khảo sát xã hội, trong đó có câu hỏi "vấn đề lo lắng nhất trong cuộc sống hiện nay là gì?"

Thủ tướng cho biết, kết quả là có 4/14 điều liên quan đến ngành tài nguyên và môi trường. Và ông nhấn mạnh: "Tôi nói điều này để thấy chúng ta còn nhiều vấn đề khiến người dân lo lắng".

Cũng chính vì thực tế trên nên Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận nhiều hơn, nói thẳng, nói thật về các vướng mắc, bức xúc hiện nay trong ngành, các vấn đề nổi cộm cần tập trung xử lý, trong đó nổi lên là những vướng mắc về thủ tục hành chính; việc đánh giá môi trường tại các dự án, cho đến vấn đề phẩm chất, đạo đức, năng lực cán bộ, ngăn chặn tham nhũng…

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra tình trạng quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn lãng phí, sai phạm; mặc dù đã chỉ đạo quyết liệt nhưng nhiều địa phương buông lỏng quản lý, còn xảy ra tình trạng khai thác đá, cát sỏi trái pháp luật...

Thủ tướng cũng đề nghị phải xem xét thận trọng việc cho phép mở rộng các nhà máy xi măng trước tình trạng nhiều núi đá vôi bị khai thác triệt để. Tại một số đô thị, nội đô ngập nặng, "đường biến thành sông" khi gặp mưa lớn.

Một số cán bộ trong hệ thống tài nguyên môi trường chưa gương mẫu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, thậm chí có cán bộ tham nhũng, tiêu cực, gây khó khăn....

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng đã nêu 4 vấn đề trọng tâm đặt ra cho năm 2019 và các năm sau đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thứ nhất, theo dự báo, Việt Nam là một công xưởng lớn của thế giới và một điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm dịch vụ cạnh tranh của khu vực và trên toàn cầu, vấn đề bảo vệ môi trường đã trở thành nhiệm vụ quan trọng. Ngành cần có giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ này, "phải coi chừng tình trạng thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu đổ dồn vào Việt Nam ".

Thứ hai, một câu hỏi đặt ra với Bộ chủ quản là làm thế nào để có thể chung tay bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong cuộc cách mạng  công nghiệp 4.0.

Tiếp đến là ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Thủ tướng đặt bài toán này cho ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Trong biến đổi khí hậu chung của cả nước, Thủ tướng đặc biệt lưu ý biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, sạt lở sông biển ở miền Trung và sạt lở núi cũng như lũ quét, lũ ống ở miền Bắc.

Cuối cùng là vấn đề xã hội hóa nguồn lực, kinh tế tài chính trong tài nguyên môi trường.

Thủ tướng đồng tình với mục tiêu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra trong năm 2019 là phải rà soát để hoàn thiện tất cả các quy chuẩn về môi trường tiệm cận với quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực để thiết lập hàng rào kỹ thuật bảo vệ môi trường.

Bày tỏ quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất đai, Thủ tướng lưu ý bất cập trong định giá quyền sử dụng đất. Cần đổi mới công tác định giá đất theo các chuẩn mực quốc tế, chống thất thoát, lãng phí.

Hiện nay, còn khoảng 1,9 triệu ha đất chưa sử dụng, Thủ tướng yêu cầu rà soát, xác định quỹ đất này để đưa vào sử dụng hiệu quả, trong đó phải phủ xanh diện tích đất trống, đồi núi trọc.

Theo Nguyên Hà

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên