Thủ tướng đặt hàng bài toán cực khó cho Viettel
Khen ngợi Viettel đã truyền cảm hứng và sự tự tin cho các doanh nghiệp Việt Nam trong đầu tư kinh doanh ở nước ngoài nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt hàng tập đoàn này một bài toán cực khó.
Ngay trước cổng vào lễ kỷ niệm 10 năm đầu tư nước ngoài của Viettel được tổ chức sáng nay (17/12), khách đến dự sẽ nhìn thấy biển hiệu với hàng chữ: “Viettel – Tập đoàn Công nghiệp viễn thông toàn cầu”. Đây là tên gọi rất khác so với hiện nay – Tập đoàn Viễn thông Quân đội.
Tuy nhiên, dòng chữ này được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel giải thích cụ thể trong bài phát biểu của mình khi chia sẻ tầm nhìn trở thành “Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông Toàn cầu hùng mạnh, không chỉ cung cấp dịch vụ viễn thông, CNTT mà sẽ tham gia vào nghiên cứu, sản xuất thiết bị công nghệ cao. Từ một công ty dịch vụ thành một công ty công nghệ”.
Người đứng đầu Viettel cũng nhắc lại trước đây 10 năm khi chỉ đứng thứ 4 trên thị trường viễn thông, chỉ có 2 triệu thuê bao, công ty này vẫn quyết định đi ra nước ngoài. Sau 10 năm, Viettel đã kinh doanh tại 9 nước khác trên 3 châu lục (châu Á, châu Phi và châu Mỹ latinh), nếu gồm cả Việt Nam thì tập đoàn này có thị trường 320 triệu người, với tổng số thuê bao là 100 triệu. Viettel đã trở thành một trong số 30 công ty viễn thông có số lượng thuê bao lớn nhất thế giới.
Tên mới của Viettel được nhìn thấy ngay bên ngoài hội trường tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm.
Trong 9 thị trường nước ngoài đã đầu tư, Viettel đứng ở vị trí số 1 tại 5 thị trường. 360 nghìn km là tổng chiều dài cáp quang của Viettel ở Việt Nam và 9 thị trường nước ngoài đã đầu tư, tương đương 9 vòng quanh trái đất.
CEO Viettel cũng tuyên bố mục tiêu trong 10 năm tới sẽ vào danh sách 20 tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới.
Có mặt tại buổi lễ kỷ niệm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: “Hiệu quả đầu tư ra nước ngoài đã trở thành một động lực, nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển của Viettel” và những kết quả đặc biệt này “đã truyền cảm hứng và sự tự tin cho các doanh nghiệp Việt Nam trong đầu tư kinh doanh ở nước ngoài”.
Người đứng đầu Chính phủ đề cập tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra nhiều thời cơ nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức và có đề nghị đặc biệt thách thức với Viettel.
Ông dẫn câu chuyện về lịch sử “có những doanh nghiệp không chỉ cung cấp cho thế giới những sản phẩm-dịch vụ tuyệt vời mà quan trọng hơn, họ đã làm thay đổi thế giới, phương thức sống và sinh họat của con người” và nhấn mạnh: “Với tất cả niềm tin, tôi đặt hàng Viettel bài toán thách thức này”.
Theo người đứng đầu Chính phủ, Viettel cần liên tục sáng tạo và khởi tạo những không gian phát triển mới. Đặc biệt, Viettel phải thực hiện tốt vai trò là trung tâm thúc đẩy, khuyến khích khởi nghiệp, trước hết về viễn thông và công nghệ thông tin. Đây là lĩnh vực rất có tiềm năng đối với thanh niên Việt Nam.
Thủ tướng cũng nhắc Viettel cần “Thắng không kiêu-Bại không nản” và phải bảo vệ thương hiệu của mình như bảo vệ tài sản của quốc gia.
Ông cũng hy vọng, trong 10 năm tới, Viettel toàn cầu không phải chỉ 10 nước như hôm nay mà sẽ là gấp 2-3 lần, với thị trường vượt ngưỡng tỷ người.
Trí Thức Trẻ