MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Không để tình trạng sáng nắng chiều mưa về chính sách

Nhà nước đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách, đảm bảo tính tiên lượng cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư, không để tình trạng sáng nắng chiều mưa.

Bắt đầu câu chuyện doanh nhân là động lực cho sự phát triển kinh tế của đất nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại truyền thống quý báu: tôn vinh doanh nghiệp, tôn trọng doanh nhân.

Trong khí thế sôi nổi, hào hùng kỷ niệm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, Thủ tướng đã kể lại câu chuyện về Bác Hồ ngay sau ngày đất nước giành độc lập đã dành thời gian gặp các doanh nghiệp, và doanh nhân.

Thủ tướng nói: “Lúc đó, doanh nhân đã sẵn sàng bỏ hàng ngàn lượng vàng để cứu đói cho dân, diệt giặc dốt. Lúc quốc gia khó khăn, doanh nghiệp đã sẵn sàng có mặt sẵn sàng chung sức phát triển đất nước. Truyền thống này của doanh nghiệp và doanh nhân là rất quý báu”

Nhắc lại điều này, Thủ tướng một lần nữa khẳng định vị trí và vai trò của DN, doanh nhân trong sự phát triển của đất nước. Bởi vậy, trong thời gian qua Đảng, Nhà nước ta đã tập trung làm thể chế chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh cho DN.

“Chúng ta xây dựng hàng loạt biện pháp, Chính phủ phục vụ cho doanh nghiệp phát triển. Chính vì thế, doanh nghiệp dân doanh Việt Nam đã phát triển lớn mạnh, góp phần xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế” – Thủ tướng nói.

Song, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận lại thực chất bức tranh hiện tại của môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, vẫn chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp ra đời và phát triển.

Có mấy vấn đề được Thủ tướng nhấn mạnh, đó là các luật ban hành và đi vào thực tế còn chậm, chồng chéo; thiếu cơ chế khuyến khích DN áp dụng tiến bộ khoa học; thể chế, thủ tục chi phí cao; cổ phần hóa doanh nghiệp còn thấp; thực trạng DN ngày càng nhỏ đi; khả năng kết nối DN còn hạn chế; cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh hạn chế.

Từ thực tế trên, Thủ tướng cho rằng cần kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện khuyến khích đầu tư đảm bảo thực thi pháp luật. Đó là cần bảo vệ quyền lợi chính đáng, đảm bảo quyền kinh doanh của DN.

Thủ tướng cũng khẳng định, nhà nước đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách, đảm bảo tính tiên lượng cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư, không để tình trạng sáng nắng chiều mưa.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách, các văn bản quy định pháp lý phải quy định rõ một vấn đề, một cơ quan chịu trách nhiệm và người đứng đầu cơ quan đó chịu trách nhiệm đến cùng cho quyết định của mình.

Các quy định về điều kiện phải lượng hóa được, minh bạch, dễ hiểu để nhà đầu tư đánh giá được việc tuân thủ, đáp ứng yêu cầu với chi phí thấp, giảm thiểu rủi ro. Đưa ra một quy định mới thì phải nói rõ chứ không thể để hiểu thế này, hiểu thế khác.

Các đơn vị nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi theo tinh thần nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

DNNVV có vai trò quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập, khơi nguồn đổi mới sáng tạo cần được tạo điều kiện cho phát triển và hội nhập. Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế.

Ngăn chặn có hiệu quả việc hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư, DN. Đồng thời, giảm dần, tiến tới loại bỏ các loại phí, phụ phí bất hợp lý.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên