MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư FDI chất lượng cao vào Việt Nam

Sáng nay, 1/7, tại Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc Tọa đàm bàn tròn với các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản về các chủ đề công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Thủ tướng cho rằng, cuộc tọa đàm hôm nay đã trở thành kênh đối thoại thường xuyên, rất hiệu quả giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam và các tập đoàn lớn của Nhật Bản. Nhiều ý tưởng đã được chia sẻ cởi mở, nhiều vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp Nhật đã được giải quyết, một số dự án trao đổi trong các tọa đàm trước đây đã được đầu tư trên thực tế tại Việt Nam, qua đó góp phần làm sâu sắc quan hệ hai nước.

Tập đoàn NIDEC từ lần tọa đàm trước, đã đầu tư 250 triệu USD vào sản xuất động cơ công nghệ cao, và sẽ đầu tư 1 tỷ USD. Năm 2018, AEON đã mua khoảng 300 triệu USD hàng Việt Nam để bán tại các siêu thị của AEON tại Nhật và sẽ tăng lên 500 triệu USD.

Giới thiệu về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực giữ vững ổn định về kinh tế vĩ mô và chính trị, xã hội; thể chế luật pháp ngày càng minh bạch tạo môi trường cho doanh nghiệp yên tâm hoạt động lâu dài, phát triển, tham chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu một cách thuận lợi.

Trên tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, lấy doanh nghiệp và người dân là đối tượng phục vụ, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế. Qua đó, phát huy khu vực tư nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút hiệu quả hơn mọi nguồn lực, mọi ý tưởng sáng tạo.

Với quy mô dân số đang tiệm cận 100 triệu dân, Việt Nam đang có lợi thế về khả năng cung cấp một lực lượng lao động trẻ, dồi dào, được giáo dục cơ bản (lao động dưới 35 tuổi chiếm 60% lực lượng lao động).

Việt Nam tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành những khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại lớn, như Hiệp định CTPPP với sự tham gia của Nhật Bản có hiệu lực từ 14/1/2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU vừa được ký hôm qua, 30/6… đang mở ra nhiều cơ hội mới cho đầu tư FDI và xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. “Đây là thời cơ quan trọng của các bạn”, Thủ tướng nói.

“Với tầm nhìn Nhật Bản tiếp tục là đối tác chiến lược quan trọng nhất trong hợp tác đầu tư của Việt Nam, đối với các tập đoàn lớn của Nhật, tôi khuyến khích các bạn đầu tư FDI chất lượng cao vào Việt Nam, với các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, hạ tầng chất lượng cao, áp dụng và chuyển giao công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ, đưa hàng hóa của Việt Nam tham gia vào các kênh phân phối khu vực, toàn cầu”, Thủ tướng nói và cho biết, “sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở cùng quý vị về các vấn đề cùng quan tâm”.

Cảm ơn Thủ tướng đã dự cuộc tọa đàm, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, các tập đoàn Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư và khẳng định mong muốn tiếp tục đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Về vấn đề công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp Nhật cho biết, một số lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam chưa có khả năng cung ứng và bày tỏ mong muốn hợp tác liên kết với doanh nghiệp trong nước của Việt Nam để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Các doanh nghiệp mong Chính phủ quan tâm đến công tác đào tạo nhân lực trong ngành này.

Một số ý kiến cho rằng, cần sửa quy định về thời gian làm thêm theo hướng tăng giờ đối với một số lĩnh vực, có chính sách ưu đãi thuế đối với công nghiệp hỗ trợ.

Về vấn đề cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp Nhật Bản nhìn nhận, lĩnh vực vận tải ở Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, cho rằng cần giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả thủ tục thông quan. Trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đã giảm nhiều, doanh nghiệp Nhật Bản muốn biết định hướng sử dụng vốn ODA của Việt Nam thời gian tới.

Ghi nhận ý kiến các doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam vẫn tiếp tục kêu gọi vốn ODA và các nguồn vốn khác vào cơ sở hạ tầng. Trong những năm qua, ngành hải quan của Việt Nam đã triển khai nhiều cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin để thông quan nhanh chóng, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, “còn chỗ này chỗ khác vướng mắc”, Thủ tướng khẳng định, sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách lĩnh vực hải quan, tạo thuận lợi tốt nhất cho xuất nhập khẩu.

Tại tọa đàm, Thủ tướng cũng giao lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp cụ thể các vấn đề mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm.

Thủ tướng khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư FDI chất lượng cao vào Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Giám đốc Ngân hàng MUFG Kanetsugu Mike - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

* Trước đó, sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Giám đốc Ngân hàng MUFG, ông Kanetsugu Mike, một trong những ngân hàng lớn nhất Nhật Bản.


Trên cơ mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Thủ tướng đề nghị MUFG đóng góp thiết thực vào vun đắp mối quan hệ này. Việt Nam có quyền lựa chọn các nhà đầu tư có chất lượng trên toàn cầu để đầu tư vào Việt Nam và đề nghị MUFG đưa các doanh nghiệp có chất lượng vào thị trường Việt Nam. Cho biết, Việt Nam đang thực hiện chiến lược phát triển ngành ngân hàng, Thủ tướng đề nghị MUFG đóng góp vào quá trình này, nỗ lực đưa ngân hàng Vietinbank trở thành ngân hàng đạt tiêu chuẩn quốc tế, phát triển vững mạnh.

Ông Kanetsugu Mike, Tổng Giám đốc Ngân hàng MUFG trân trọng cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp và cho biết, Việt Nam là nước mà các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm nhất hiện nay. Với sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc tổ chức các buổi đối thoại, diễn đàn với doanh nghiệp Nhật Bản thường xuyên là cơ hội rất tốt dành cho doanh nghiệp Nhật Bản. Ông cho biết, sau hội nghị xúc tiến đầu tư lần trước tại Nhật Bản có sự tham dự của Thủ tướng, một số doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Ông mong muốn MUFG được làm cầu nối phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam để chuyển các đề xuất của doanh nghiệp Nhật B ản. Thủ tướng hoan nghênh đề xuất này và cho rằng, đây phải là các đề xuất chính đáng, trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam./.

Theo Đức Tuân

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên