Thủ tướng lưu ý TP.HCM về ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm...
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: “Trung ương giao nhiệm vụ đầu tàu cho TP.HCM nhưng lại cho cơ chế của toa tàu thì làm sao chạy nổi”.
- 03-10-2016Ai sẽ đền bù thiệt hại hàng nghìn ô tô, xe máy ngập nước ở TP.HCM?
- 29-09-2016Tại sao chi 29.000 tỉ đồng chống ngập, TP.HCM vẫn "chìm trong biển nước"?
- 28-09-2016Ngập đường do không có cống thoát nước - Nỗi ám ảnh ở TP.HCM
- 28-09-2016Xe "chết đuối" trong hầm ngập nước, ai chịu?
Sáng 21-10, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã làm việc với UBND TP.HCM về kết quả thực hiện kết luận chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Lưu ý nhiều vấn đề nóng
Tại buổi làm việc, ông Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của TP.HCM về phát triển kinh tế-xã hội, thu ngân sách tăng hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM lưu ý những vấn đề như ngập nước, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM hết sức quan tâm công tác phòng, chống tội phạm. “Công an TP đã hứa với bí thư, chủ tịch TP.HCM đẩy lùi nạn cướp giật, nay đã có xu hướng giảm nhưng vẫn còn. Cùng với đó là tình trạng buôn bán hàng giả, hàng lậu” - ông Dũng truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng.
Về an toàn vệ sinh thực phẩm, Thủ tướng đánh giá TP.HCM đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn cần phải làm tốt hơn nữa. Với dân số của TP hơn 10 triệu người thì vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, an toàn nơi chế biến, giết mổ phải được quan tâm kiểm soát chặt chẽ hơn. Ông Mai Tiến Dũng cũng nhắc tới một số vụ việc cụ thể không được phát hiện và xử lý kịp thời như Công ty TNHH Đông dược Hòa Phú cung cấp thuốc Bắc giả, kém chất lượng cho các bệnh viện y học dân tộc TP; vụ vi phạm của bốn cửa hàng thuốc tân dược Mỹ Châu; vụ 700 kg thịt ngoại nhập khẩu không rõ nguồn gốc.
Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, ông Dũng cho biết Thủ tướng cũng yêu cầu TP.HCM phải hết sức tập trung giải quyết. Cụ thể, liên quan đến rác thải, nguồn nước, TP cần quyết liệt, giải quyết rốt ráo hơn. “Vụ ô nhiễm ở bãi rác Đa Phước, sau khi người dân phản ánh, báo chí nêu, Thủ tướng đã có chỉ đạo. Đến nay TP đã cơ bản xử lý tốt về mùi. Chúng ta thừa nhận công nghệ xử lý đó là cách đây nhiều năm, bây giờ phải tính toán lại. TP.HCM xử lý tốt nhưng dân muốn phải xử lý tốt hơn nữa” - ông Dũng nói.
Không hình sự hóa quan hệ kinh tế
Thủ tướng cũng nhắc nhở TP.HCM đã tạo điều kiện tốt cho người dân khởi nghiệp nhưng vẫn xảy ra những vụ việc như quán cà phê Xin Chào, vụ dọa khởi tố người bán điện thoại cũ. Cần làm tốt hơn việc này, thực hiện nghiêm quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết xử lý ô nhiễm môi trường, chống ngập, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… là những lĩnh vực mà TP.HCM xác định cần đột phá và đang triển khai đồng bộ các giải pháp.
Về điều tiết ngân sách, ông Phong cho rằng TP.HCM chỉ được giữ lại 23% sẽ khó tạo động lực phát triển. “Trung ương giao nhiệm vụ đầu tàu cho TP.HCM nhưng lại cho cơ chế của toa tàu thì làm sao chạy nổi” - ông Phong nói và cho rằng nếu cho cơ chế tốt hơn, TP.HCM sẽ có động lực phát triển, nộp ngân sách lớn hơn.
Chia sẻ với người đứng đầu chính quyền TP.HCM, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã có kết luận, quyết định phân cấp mạnh nhất, triệt để nhất cho TP.HCM. Nhiều nhiệm vụ thuộc chức năng của các bộ, ngành nay giao cho TP.HCM chịu trách nhiệm, nhiều nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng nay cũng ủy quyền cho TP thực hiện, từ đó rút kinh nghiệm cho cả nước. “Như việc xử lý hơn 400 chung cư cũ mà cứ về Bộ Xây dựng báo cáo hay từng dự án cứ phải về Bộ KH&ĐT thì làm sao được” - ông Dũng nói.
Tuy nhiên, việc phân cấp phải đi đôi với nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và sự giám sát của người dân, các cơ quan. Ông Dũng cũng đề nghị UBND TP đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành. “TP.HCM trước đây đã làm sớm việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công nhưng nay mức độ hài lòng của người dân chỉ đứng thứ 47 cả nước. Không đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thì sẽ tạo ra bưng bít, nhũng nhiễu” - ông Dũng khẳng định.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết TP.HCM đang giải quyết rốt ráo ô nhiễm chất thải. Ngoài việc giải quyết về mùi hôi, chấn chỉnh hoạt động vận chuyển, xử lý rác thải, TP.HCM còn tổ chức mời gọi các nhà đầu tư có công nghệ xử lý rác hiện đại hơn.
Về ô nhiễm không khí, TP.HCM có 900 nguồn khí thải công nghiệp và còn có nguồn ô nhiễm từ phương tiện giao thông. TP.HCM đang có kế hoạch thay thế 2.000 xe buýt chạy bằng nguyên liệu sạch. Ngoài ra, TP.HCM cũng quy hoạch 12 vị trí để xử lý nước thải. Kế hoạch đến năm 2020 sẽ kiểm soát xử lý 80% lượng nước thải toàn TP.HCM.
Pháp luật TPHCM