Thủ tướng Lý Khắc Cường đề xuất làm kinh tế vỉa hè: Vậy Trung Quốc rốt cuộc giàu hay nghèo?
Tạ Y Y, một du học sinh từ Mỹ trở về TQ, nhưng đã thất nghiệp do đại dịch. Để kiếm sống, cô quyết định thực hiện theo đề xuất của Thủ tướng Lý Khắc Cường: Mở một sạp hàng đồ nướng.
- 11-06-2020Thủ tướng Úc: Không để Trung Quốc bắt nạt hoặc ép buộc
- 11-06-2020Đằng sau kỳ họp "Lưỡng hội" đặc biệt và câu chuyện Việt Nam sẽ đối diện như thế nào trước một Trung Quốc thay đổi
- 11-06-2020Hậu phong tỏa, nhiều học sinh Trung Quốc tự tử vì căng thẳng
Kinh tế vỉa hè
Tạ Y Y, một thanh niên Bắc Kinh 22 tuổi, mất việc vào thứ Sáu tuần trước và trở thành một trong hàng triệu thanh niên ở Trung Quốc bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.
Do đó, trong cùng ngày, cô đã quyết định thực hiện theo đề xuất của Thủ tướng Lý Khắc Cường: Mở một sạp hàng đồ nướng.
Theo The New York Times (Mỹ-NYT), nhiều người Trung Quốc quan niệm rằng, đối với những người chịu ảnh hưởng nền giáo dục Mỹ như Tạ Y Y, bán đồ xiên nướng là một lựa chọn tồi tệ, thậm chí đối với bất kỳ người dân nào của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đều nghĩ như vậy.
Bởi hình ảnh những gánh hàng rong khiến mọi người nghĩ về một Trung Quốc đang nỗ lực thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực. Ở nhiều thành phố ở Trung Quốc, ban quản lý đô thị thường lái xe đi giải tán các sạp hàng bán đồ trang sức, quần áo giá rẻ và đồ ăn nhẹ ở vỉa hè.
Một sạp hàng ở chợ đêm Vũ Hán. Ảnh: NYT
Tuy nhiên, mới đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công khai kêu gọi những người thất nghiệp tham gia vào lĩnh vực kinh tế vỉa hè, để đưa nền kinh tế trật bánh trở lại đúng hướng.
Về Tạ Y Y, cô tốt nghiệp Đại học California vào năm ngoái. Cô chọn vỉ nướng, than củi, que nướng và một loại soda có hương vị cam Bắc Kinh truyền thống cho vào giỏ hàng trực tuyến, với hy vọng rằng việc kinh doanh đồ nướng có thể giúp bản thân vượt qua khó khăn trước khi tìm được công việc tốt hơn. Nhưng trước khi cô nhấp vào nút "Mua", cô muốn chờ xem liệu các quan chức Bắc Kinh có chấp nhận đề xuất của ông Lý Khắc Cường hay không.
Và giới chức Bắc Kinh đã không làm thế. Sự khác biệt như vậy là cực kỳ hiếm trong giới chức Trung Quốc, theo NYT. Tờ Nhật báo Bắc Kinh, cơ quan ngôn luận của thành ủy Bắc Kinh, đã chỉ ra rất nhiều vấn đề mà các sạp hàng có thể mang lại và cho rằng nó "mất vệ sinh và thiếu văn minh".
Trước đó, trong cuộc họp báo thường niên được tổ chức vào sau kỳ họp Lưỡng hội của Trung Quốc vào tháng trước, ông Lý đã trực tiếp đề cập vấn đề thất nghiệp do dịch bệnh gây ra, mở đầu cuộc thảo luận về sự thịnh vượng kinh tế của Trung Quốc. Ông tán dương những người trẻ tuổi ủng hộ kinh tế vỉa hè.
Sau đó, ông chỉ ra rằng có khoảng 600 triệu người Trung Quốc, tương đương 43% dân số, chỉ kiếm được 1.000 Nhân dân tệ mỗi tháng. Ông cũng đưa ra ví dụ về một công nhân nhập cư ở độ tuổi 50 làm việc trong thành phố hơn 30 năm nhưng không thể tìm được việc làm trong năm nay.
Vài ngày sau, ông đến thăm những người bán hàng rong vỉa hè ở tỉnh Sơn Đông, nhấn mạnh mối quan tâm của anh với đối tượng này Trung Quốc. "Đất nước do nhân dân tạo thành", ông nói, "Người dân yên ổn thì đất nước mới phát triển được".
Trung Quốc giàu hay nghèo?
Theo NYT, kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với thách thức có thể là lớn nhất kể từ thời Mao Trạch Đông. Do áp dụng các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 nên nền kinh tế Trung Quốc đã chững lại. Tỷ lệ thất nghiệp do chính phủ công bố là 6% nhưng các nguồn thông tin khác ước tính con số này đã lên tới 20%.
Một quầy hàng vỉa hè ở Bắc Kinh. Ảnh: NYT
Do đó, kinh tế vỉa hè đã trở thành một từ khóa rất được quan tâm.
Nhiều thành phố nỗ lực thu hút những người bán hàng rong ra đường. Nhiều đội quản lý đô thị địa phương thậm chí còn được giao nhiệm vụ hỗ trợ những sạp hàng rong thay vì xử lý, giải tán họ như trước đấy. Một nhà kinh tế ước tính rằng nếu chính phủ Trung Quốc dành nhiều không gian hơn cho các nhà cung cấp và nông dân kinh doanh thì có thể thúc đẩy khoảng 50 triệu cơ hội việc làm.
Tuy nhiên, một số chuyên gia trẻ tỏ ra hoài nghi về đề xuất của Thủ tướng Trung Quốc. Họ có thể bán gì khi triển vọng công việc tương đối ảm đạm hiện nay: Có thể biến một chiếc xe ba bánh thành quán cà phê di động? Cung cấp dịch vụ pháp lý bên lề đường? ...
Trong khi đó, các kênh truyền thông chính thức Trung Quốc lại phản đối đề xuất của ông Lý. "Các thành phố hạng nhất của Trung Quốc [Thượng Hải, Bắc Kinh] không phù hợp để thúc đẩy kinh tế vỉa hè'", CCTV cho biết. Bản tin nhận định: "Để cho kinh tế vỉa hè tái lan rộng ở các thành phố này đồng nghĩa với việc [Trung Quốc] quay trở lại vài thập kỷ trước chỉ trong một đêm. Điều này cũng trái với sự phát triển chất lượng cao".
Bất kỳ người Trung Quốc nào đã từng đến một khu chợ ngoài trời hoặc nhìn thấy những người bán hàng rong bị giải tán bởi đội quản lý thị trường rõ ràng sẽ cảm thấy rằng đây là lối mưu sinh vô cùng vất vả. Chỉ những người không có kỹ năng hoặc phương tiện kiếm sống khác mới thấy đây là một lựa chọn. Ngay cả những người thực hiện ý tưởng này một cách nghiêm túc như Tạ Y Y ở Bắc Kinh cũng có thể nghĩ rằng các quầy hàng trên đường phố của những người có học thức chỉ là tạm thời.
Nhưng đối với một đất nước vẫn đang nỗ lực tìm cách nuôi sống người dân thì đây là một chủ đề cần thiết. Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu 9 triệu cơ hội việc làm mới trong năm nay, giảm so với 11 triệu vào năm ngoái. Đối với 8,7 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học năm nay, cũng như nhiều công nhân và chuyên gia bị mất việc làm trong thời kỳ suy thoái kinh tế nhanh chóng, con số này là không đủ.
Điều này cũng đặt ra câu hỏi liệu Trung Quốc có lãng quên hàng trăm triệu lao động thu nhập thấp một lần nữa hay không. Mặc dù quốc gia này đã phát triển giàu có nhưng những người lao động thấp vẫn đang cố gắng để tồn tại.
Tổ quốc