MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng nêu giải pháp quyết định chống ùn tắc giao thông

24-01-2017 - 08:18 AM | Bất động sản

Chiều 23/1, tại trụ sở Chính phủ, họp trực tuyến với lãnh đạo TPHCM về các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ nguyên nhân cơ bản, các giải pháp lâu dài cũng như trước mắt cho vấn đề này.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành.

Báo cáo tại đầu cầu truyền hình ở TPHCM, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Văn Khoa cho biết, trong 37 điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn, tình hình đã có chuyển biến đáng kể tại 7 điểm nhưng vẫn còn 30 điểm có nguy cơ cao ùn tắc giao thông.

Tốc độ lưu thông trung bình khu vực trung tâm (theo hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên xe buýt) vào giờ cao điểm sáng 19 km/h; giờ cao điểm chiều 18 km/h, giờ thấp điểm 20,9 km/h.

Theo lãnh đạo TPHCM, lượng tăng dân số cơ học và lượng phương tiện trên địa bàn tăng liên tục. Tính đến nay, Thành phố đang quản lý tổng cộng hơn 7,8 triệu phương tiện (gồm hơn 622.000 xe ô tô và 7,26 triệu xe mô tô), tăng 5,86% so với cùng kỳ năm 2015.

TPHCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cơ chế áp dụng cho một số công trình cấp bách, kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái và khu vực cửa ngõ, trung tâm.

“Để giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông của TPHCM hiện nay thì hàng loạt dự án cần phải triển khai rất nhanh và gấp”, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nói và kiến nghị cho phép Thành phố được áp dụng cơ chế đối với các dự án chống ùn tắc như Chính phủ đã cho Bộ GTVT triển khai trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh. Sau 2 năm, hàng loạt dự án đi vào hoạt động, qua đó, sẽ giảm đáng kể tình trạng ùn tắc.

Một số ý kiến các bộ, ngành cho rằng nếu chỉ tập trung giải quyết vấn đề hạ tầng, huy động các nguồn lực cho các dự án hạ tầng thì chưa giải quyết được triệt để mà đồng thời với đó, phải kéo dãn dân số, giảm phương tiện cá nhân. Bởi nếu hạ tầng càng tốt, càng đi lại thuận lợi thì càng đông người đổ về và ùn tắc sẽ càng nhiều.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, mật độ dân số trung bình của TPHCM là 6.000 người/km2, ở vùng lõi là 25.000 - 30.000 người/km trong khi quỹ đất cho giao thông chỉ hơn 8%. Phương tiện công cộng chỉ chiếm 10% trong khi các nước là 40 - 50%. Ở nhiều nước, đa phần hoạt động giao thông là giao thông ngầm trong khi ở nước ta, giao thông ngầm coi như bằng không.

Hoan nghênh và chúc mừng TPHCM được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng là thành phố năng động của toàn cầu và cho biết “tại Davos, người ta nhận xét tốt về thành phố chúng ta”, Thủ tướng đánh giá cao việc gần đây, TPHCM đã tập trung giải quyết vấn đề ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Tuy vậy, trước mắt, theo Thủ tướng, các điểm ùn tắc của TPHCM còn nhiều. Nạn xe dù bến cóc dịp Tết rất phức tạp. Có nơi ùn tắc vài ba tiếng đồng hồ.

Cho rằng tình trạng này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, môi trường sống, môi trường đầu tư của TPHCM, Thủ tướng yêu cầu trước mắt, phục vụ Tết Nguyên đán, Thành phố cần chỉ đạo cương quyết hơn trong việc dẹp nạn xe dù bến cóc. Không để xảy ra tình trạng phức tạp ở một số điểm như báo chí phản ánh. Cần có biện pháp khảo sát, xử lý quyết liệt hơn đối với một số điểm đen, ùn tắc nghiêm trọng kéo dài. Không để người dân vì lý do giao thông mà ảnh hưởng đến thời gian về quê đón Tết.

“Vừa qua, một loạt hành khách đã nhỡ chuyến tàu, nhỡ máy bay vì ùn tắc. Có tình trạng như vậy. Lần này chúng ta cố gắng khắc phục, nhất là lực lượng chức năng cần có mặt ở hiện trường nhiều hơn để phân luồng giao thông ở những điểm đen, ùn tắc nhiều nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các cấp, các ngành của TPHCM phải xắn tay áo vào kiểm tra các điểm đen ùn tắc này.

Về giải pháp lâu dài, Thủ tướng nêu rõ, quan trọng nhất là TPHCM cùng Bộ GTVT và các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý đô thị của TPHCM.

Lấy ví dụ về việc Singapore đánh phí rất cao đối với ô tô đi vào khu trung tâm, Thủ tướng cho rằng, chính sách, thể chế là yếu tố quyết định vấn đề này, nếu không chú ý, chỉ luẩn quẩn trước mắt thì khó giải quyết.

Do đó, trước tiên, biện pháp quy hoạch đô thị của TPHCM phải được giải quyết tốt hơn. Trong đó, phải hạn chế tầng cao ở khu trung tâm khi chưa có hệ thống giao thông. “Nếu chúng ta cứ dồn hết vào trung tâm, có mảnh đất nào chúng ta tiếp tục xây tầng cao ở đó trong khi phương án giao thông để chống ùn tắc chưa giải quyết được thì tiếp tục sẽ khó khăn”, Thủ tướng nói.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nêu nguyên nhân cơ bản của ùn tắc giao thông ở Việt Nam là phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh và “có quá nhiều xe máy, nhiều ô tô xen lẫn với nhau”, Thủ tướng yêu cầu có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện vận chuyển công cộng, tổ chức lại không gian vận chuyển của Thành phố. Do không thể giải phóng nhiều mặt bằng cho giao thông nên phải đẩy mạnh ngầm hóa với phương châm huy động tư nhân tham gia làm metro. “Sau Tết, các đồng chí hoàn thiện phương án, báo cáo Chính phủ các hình thức ngầm hóa hay một số hình thức khác của TPHCM để có một cơ chế cụ thể cho Thành phố làm việc này”, Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh đó, phải tổ chức hệ thống chỉ huy giao thông để kết nối giao thông tốt hơn. Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với TPHCM để làm một trung tâm chỉ huy kết nối giao thông.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa giao thông, Thủ tướng cho rằng nếu thực hiện tốt thì sẽ không có chuyện chen lấn, đi lên vỉa hè khi bị ùn tắc. “Luồng xe có thể đi chậm hơn nhưng vẫn di chuyển chứ không phải chen lấn nhau, gây ùn tắc nghiêm trọng hơn”. Đi liền với tuyên truyền văn hóa giao thông, cần xử phạt nghiêm vi phạm bởi nếu không xử lý mạnh về kinh tế thì khó mang tính răn đe.

Thủ tướng nhất trí việc cần có cơ chế thuận lợi cho TPHCM trong việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để có hạ tầng kết nối tốt nhất, giải quyết ùn tắc trong thời gian ngắn, không để kéo dài tình trạng ùn tắc như hiện nay.

Thủ tướng cũng gợi mở một số giải pháp khác như hạn chế nhập cư vào khu trung tâm, xây dựng các đô thị vệ tinh, áp dụng công nghệ thông tin, phát động quần chúng đóng góp các giải pháp thông minh trong chống ùn tắc, chứ không chỉ các cơ quan hành chính chống ùn tắc.

Về chống ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo hoàn thiện các phương án một cách chặt chẽ, khoa học, đúng pháp luật, báo cáo Thủ tướng trước 25/2.

Về một số kiến nghị của TPHCM, Thủ tướng cơ bản đồng ý và yêu cầu các bộ liên quan như Bộ: KH&ĐT, GTVT, TN&MT, Tài chính, Xây dựng từ khi nhận được đề nghị của TPHCM trong 21 ngày làm việc thì phải trả lời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Không yêu cầu TPHCM phải ra báo cáo việc này việc khác về những cơ chế này”, Thủ tướng nói và nêu rõ tinh thần tạo mọi điều kiện, phân cấp mạnh mẽ cho Thành phố.

Theo Đức Tuân

Chinhphu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên