Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam đang tìm kiếm hướng đi mới để phát triển trong bối cảnh chiến tranh thương mại
Người đứng đầu chính phủ liên tục nhắc lại rằng Việt Nam "tự cường" khi đối diện với các thách thức toàn cầu và sẽ thúc đẩy đàm phán các thỏa thuận thương mại khác bên cạnh 12 thỏa thuận đang có.
- 10-09-2018Lầm tưởng của ông Trump và lý do giải thích tại sao Trung Quốc sẽ không sớm đầu hàng Mỹ trong chiến tranh thương mại
- 07-09-2018Chiến tranh thương mại của ông Trump: Sau Trung Quốc sẽ là Nhật Bản?
- 04-09-2018Nhiều nhà máy Trung Quốc bắt đầu “nếm mùi” chiến tranh thương mại
- 01-09-2018Chiến tranh thương mại dồn hàng từ Trung Quốc về Đông Nam Á, Việt Nam?
Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng kết hợp các thỏa thuận thương mại và những biện pháp cải cách nền kinh tế nội địa để có thể vượt qua những tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
"Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam", Thủ tướng trả lời trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Haslinda Amin của Bloomberg Television trước thềm Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018. "Chúng tôi đang tìm những hướng đi mới để phát triển", ông nói thêm. "Chúng tôi muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Trung Quốc".
Nền kinh tế Việt Nam đặc biệt nhạy cảm với bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng toàn cầu bởi là nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn gấp đôi GDP – tỷ lệ cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Á trừ Singapore. Khoảng 25% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam là với Trung Quốc – quốc gia đang có nguy cơ bị đánh thuế toàn bộ các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ trong cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang.
Theo Thủ tướng, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu và đảm bảo chất lượng cuộc sống cho 96 triệu dân Việt Nam là điều vô cùng quan trọng. Ông liên tục nhắc lại rằng Việt Nam "tự cường" khi đối diện với các thách thức toàn cầu và sẽ thúc đẩy đàm phán các thỏa thuận thương mại khác bên cạnh 12 thỏa thuận đang có.
"Chúng tôi sẽ phải dựa vào sức mạnh nội tại, giải quyết tốt các vấn đề bên trong để có thể vượt qua bất kỳ thử thách nào và duy trì tăng trưởng", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng Việt Nam sẽ phải cố gắng để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và "theo dõi chặt chẽ các diễn biến của thị trường quốc tế để quản lý đồng nội tệ với các chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt kết hợp với các chính sách tài khóa nghiêm khắc".
Tại diễn đàn WEF ASEAN 2018, Việt Nam "kỳ vọng sẽ có thảo luận về nhiều cơ hội kinh doanh mới với các doanh nghiệp và nền kinh tế trong khu vực", Thủ tướng nói.
GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,1% trong 6 tháng đầu năm, mức cao thứ hai ở châu Á và chỉ đứng sau Ấn Độ. Tuy nhiên Chính phủ dự báo tăng trưởng sẽ chậm lại trong 6 tháng cuối năm và đang cố gắng kiềm chế lạm phát bằng các biện pháp như hạn chế tăng giá xăng dầu và giữ nguyên giá điện.
Tháng trước tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s vừa nâng mức xếp hạng của Việt Nam dựa trên các yếu tố như tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ được hỗ trợ bởi hệ thống ngân hàng đã khỏe mạnh hơn, mức nợ công ổn định và nguồn vốn được sử dụng hiệu quả hơn. VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất ở châu Á từ đầu năm đến nay, trong khi các đồng tiền khác mất giá lớn như đồng rupee của Ấn Độ và rupiah của Indonesia đã lao dốc mạnh.
Kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công vì có thặng dư thương mại với Mỹ. Năm ngoái mức thặng dư là 39 tỷ USD, khiến Việt Nam xếp thứ 6 trong danh sách các nước có thặng dư thương mại nhiều nhất với Mỹ, đứng sau Nhật Bản, Canada, Đức, Mexico và Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam đã thành công trong việc tránh được sự giận dữ của ông Trump.
"Tôi đã nói với Tổng thống Trump rằng tôi nhất trí hai bên cần cân bằng thương mại, nhưng thực tế thì những gì Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là đều có lợi cho người tiêu dùng Mỹ và dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam cũng rất tích cực", Thủ tướng nói.