MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xem xét giao đầu mối quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xem xét giao đầu mối quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương

Đối với những diễn biến bất ổn trên thị trường xăng dầu hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, chỉ đạo các cơ quan quản lý có giải pháp

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 2-11 về quản lý điều hành xăng dầu , Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ sẽ cho nghiên cứu, đánh giá lại, trên cơ sở đó tính toán phương án theo hướng thống nhất quy về một mối, giao cho Bộ Công Thương quản lý xăng dầu.

Đối với những diễn biến bất ổn trên thị trường xăng dầu hiện nay, người đứng đầu Chính phủ cho biết đã giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, chỉ đạo các cơ quan quản lý có giải pháp cho thị trường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xem xét giao đầu mối quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cũng đồng tình khi để một bộ quản lý về xăng dầu, như vậy sẽ linh hoạt hơn trong điều hành, tránh tình trạng "né" trách nhiệm, đẩy qua đẩy lại giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính như thời gian vừa qua.

"Tôi cho rằng nên đưa về một đầu mối do Bộ Công thương quản lý. Xăng dầu là hàng hóa, liên quan đến xuất nhập, liên quan đến thị trường, đến điều tiết và Bộ Công thương sẽ có khả năng, bộ máy, thực hiện được chức năng, nhiệm vụ quản lý" - đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết cơ quan này sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi quy định, giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương, kể cả phần quyết định giá và chi phí định mức để chủ động trong việc đảm bảo nguồn cung.

Giải trình, làm rõ về nguồn cung xăng dầu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 28-10, Bộ trưởng Bô Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết với sự vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, thị trường xăng dầu trong nước cơ bản được ổn định, tổng nguồn luôn không thiếu, giá cả hợp lý, vào nhóm nước có mức bán lẻ thấp nhất trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ tại hệ thống thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên là điều rất đáng tiếc và bất thường, bởi dù hoàn cảnh khó khăn giống nhau nhưng phần lớn các tỉnh, TP, nhất là phía Bắc và miền Trung thì không xảy ra như vậy.

Ngoài nguyên nhân khách quan của thế giới là đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng... thì nguyên nhân chủ quan trong nước theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất khó tiếp cận với vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng, tỉ giá ngoại tệ để nhập khẩu hàng thay đổi liên tục, biên độ giá dao động lớn, nên rủi ro rất cao.

Trong bối cảnh khan hàng, nhiều chi phí phát sinh, nhiều định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chưa được phản ánh trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu nên doanh nghiệp càng làm càng lỗ.

Phát biểu trước Quốc hội và cử tri về giải pháp khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết cơ quan này sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, chia sẻ nguồn cung trong dự trữ thương mại của mình để kịp thời chi viện cho những địa bàn cần ứng cứu.

Phối hợp với các lực lượng chức năng, cơ quan và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả phải rút giấy phép vĩnh viễn đối với các doanh nghiệp vi phạm nhiều lần.

Đặc biệt, cùng với các bộ ngành rà soát, cập nhật, phản ánh định mức chi phí, tạo nguồn, chi phí phát sinh thực tế vào công thức tính giá cơ sở để các hoạt động tạo nguồn, cung ứng, phân phối xăng dầu diễn ra một cách thuận lợi và lành mạnh.

Theo Minh Phong

Người Lao động

Từ Khóa:
Trở lên trên