Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị cổ phần hóa, thoái vốn vào tháng 9 - 10
Các bộ, cơ quan ngang bộ và đơn vị liên quan có báo cáo đánh giá tình hình cơ cấu lại doanh nghiệp trước ngày 25/9.
Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Thời gian tổ chức dự kiến vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 tới đây.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có báo cáo đánh giá tình hình cơ cấu lại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Tài chính và đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ trước ngày 25/9.
Báo cáo cần tập trung vào các nội dung vào tình hình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ 2016 đến tháng 8/2019, trong đó có đánh giá cụ thể về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và kiến nghị, đề xuất.
Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần báo cáo cụ thể thêm việc triển khai xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01 ngày 5/1/2019.
Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị nêu trên, Bộ Tài chính trình bày báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình cơ cấu lại, các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Đối với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tình hình triển khai hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách thúc đẩy quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (dự thảo Luật Doanh nghiệp, dự thảo Nghị định tổ chức hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; Quyết định về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập; danh mục cổ phần hóa, thoái vốn).
Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày thực trạng và kết quả giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc rà soát, sắp xếp, xử lý đất đai của các địa phương, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình bày tình hình triển khai hoạt động của Ủy ban.
Các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, UBND các thành phố Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, các tập đoàn Viettel, PVN, VNPT, Công nghiệp cao su Việt Nam, Petrolimex, Agribank, SCIC chuẩn bị tham luận tại Hội nghị.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Nhà nước sẽ nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên đối với 4 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, bao gồm Agribank, Vinacomin-công ty mẹ, Vinafood I và Công ty TNHH một thành viên Khoáng sản.
Có 62 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa mà Nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Nổi bật như Mobifone, VNPT, Tổng công ty Cà Phê, Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (UCID)…
Còn lại 27 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa sẽ do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần, bao gồm Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Giấy Việt Nam, Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)…
Người đồng hành