Thủ tướng Theresa May thất bại lần 3 tại Hạ viện, nước Anh hỗn loạn
Ngày 29/3, đúng ngày Anh phải rời Brexit theo kế hoạch ban đầu, Hạ viện Anh đã nhấn chìm kế hoạch Anh rời Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) của Thủ tướng Anh Theresa May lần thứ 3 khiến cho nước Anh rơi vào hỗn loạn.
Quyết định bác bỏ thỏa thuận rời Liên minh châu Âu của bà May lần 3 đã khiến cho quá trình Anh rời khỏi EU trở nên hoàn toàn mờ mịt. Cuộc khủng hoảng Brexit gần ba năm qua một lần nữa lại rơi vào sự bế tắc sâu hơn bao giờ hết.
Sau một cuộc bỏ phiếu đặc biệt tại Hạ viện, các nghị sỹ Anh đã bỏ phiếu chống lại Hiệp định rút khỏi EU dài 585 trang của bà May với số phiếu 344 – 286.
Chỉ mấy phút sau kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện Anh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và chủ tọa phiên họp thượng đỉnh Donald Tusk cho biết, các nhà lãnh đạo EU sẽ phải gặp nhau vào ngày 10/4 để thảo luận việc Anh rời khỏi khối.
Các nhà điều hành EU cho biết, viễn cảnh Anh rời EU không thỏa thuận vào ngày 12/4 đã được xác định sau cuộc bỏ phiếu lần 3 thất bại của bà May.
Bà May nói với Hạ viện rằng, cuộc bỏ phiếu này là cơ hội cuối cùng để đảm bảo Brexit sẽ diễn ra . Bà cảnh báo rằng, nếu thỏa thuận này thất bại, việc trì hoãn Brexit có thể sẽ phải kéo dài sau thời điểm 12/4.
Nói với Hạ viện sau khi thất bại, bà May cho biết: “ Tôi sợ rằng chúng ta đang đạt tới những giới hạn của tiến trình này tại Hạ viện. Ý nghĩa của quyết định của Hạ viện là rất nghiêm trọng. Về mặt pháp lý giờ đây Anh sẽ phải rời Liên minh châu Âu vào ngày 12/4”.
Thất bại lần 3
Như vậy, sau nhiều nỗ lực, thậm chí hứa sẽ từ chức để nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ chống đối, cuối cùng bà May vẫn tiếp tục thất bại ở lần bỏ phiếu thứ 3.
Tính đến nay, không có bất kỳ lựa chọn Brexit nào giành được đa số phiếu ủng hộ tại Hạ viện. Trong số những lựa chọn này bao gồm việc yêu cầu EU cho trì hoãn lâu dài, tiến tới một cuộc trưng cầu dân ý lần hai hoặc là ra đi không thỏa thuận.
Không rõ liệu bà May sẽ phải làm gì tiếp theo.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu sau khi Hạ viện Anh bỏ phiếu, EU cần phải tăng tốc cho kế hoạch Anh rời EU không thỏa thuận.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho phóng viên biết: ”Một trong số hai con đường cho việc Anh rời EU trong trật tự giờ đây đã bị đóng lại. Giờ đây việc ra đi chỉ còn lại con đường duy nhất đó là người Anh phải xác định điều gì họ muốn trước ngày 12/4. Nguy cơ của một Brexit không thỏa thuận là rất thực tiễn”.
Như vậy trong năm nay bà May đã hai lần thất bại thảm hại, mặc dù bà có thể chiến thắng trước "những kẻ nổi loạn" trong đảng Bảo thủ của bà, nhưng những người theo đường lối cứng rắn nghi ngờ EU và Đảng liên minh dân chủ của Bắc Ireland chiếm thiểu số trong chính phủ của bà đã từ chối ủng hộ bà.
Thứ Hai tới, các nhà lập pháp Anh sẽ phải cố gắng giành được quyền kiểm soát Brexit một lần nữa bằng một kế hoạch của riêng mình với hy vọng giành được sự ủng hộ của đa số đảng trong quốc hội. Đây là điều hiếm hoi trong lịch sử 100 năm qua trong hệ thống chính trị của Anh khi quốc hội giành quyền quyết định thỏa thuận của thủ tướng.
Thỏa thuận Brexit tiếp theo mịt mờ
Thất bại này của thủ tướng Anh có nghĩa là Anh hiện có chưa đầy hai tuần để thuyết phục 27 nước thành viên EU rằng, Anh sẽ có một con đường thay thế thoát khỏi tình trạng bế tắc, hoặc ra đi không thỏa thuận.
Phe nghi ngờ châu Âu hài lòng với việc bác bỏ thỏa thuận của bà May. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, điều này sẽ gây ra thiệt hại lớn không chỉ cho nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, mà còn cho cả nước láng giềng Ireland.
Tuy nhiên, cho dù có bất kỳ sự gia hạn thời gian nào nữa, Anh không những phải tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5, mà còn có nhiều tháng không chắc chắn.
Một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai có thể diễn ra, mặc dù nhiều nhà lập pháp tin rằng cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng sẽ là một cuộc bầu cử nhanh chóng.
Những người phản đối Brexit lo ngại Brexit sẽ làm cho Anh trở nên nghèo hơn và chia rẽ phương Tây khi nước này vật lộn với cả vị tổng thống Mỹ tính khí thất thường như ông Donald Trump và sự quyết đoán ngày càng tăng từ Nga và Trung Quốc.
Những người ủng hộ Brexit cho rằng, trong khi việc “ly hôn” có thể mang lại một số bất ổn ngắn hạn, nhưng về lâu dài, nó sẽ cho phép Vương quốc Anh phát triển mạnh nếu được giải thoát khỏi EU.
Cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý năm 2016 để rời khỏi EU cho thấy một Vương quốc Anh bị chia rẽ vì nhiều vấn đề hơn, và đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi về mọi thứ, từ ly khai và nhập cư đến chủ nghĩa tư bản, đế chế và ý nghĩa của việc trở thành người Anh.
Reuters
Tiền phong