MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng yêu cầu đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20%

04-08-2017 - 08:51 AM | Tài chính - ngân hàng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay, đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% trên cơ sở chất lượng tín dụng và ổn định vĩ mô.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông kết luận phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, chiều 3/8.

Trong phần đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, Thủ tướng nhìn nhận, nhiều tồn tại và nhiệm vụ những tháng còn lại rất nặng nề. Các bộ, ngành, địa phương cần phải tập trung giải quyết công việc quyết liệt, đồng bộ.

Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải bám sát công việc, không để “tuột tay” mục tiêu, chỉ tiêu đã được phân công. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm người đứng đầu. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ. Trên tinh thần đó, mọi cơ quan phải công khai, minh bạch, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện.

Thủ tướng cũng yêu cầu tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp qua thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức thực thi công vụ.

Nhắc lại lời của Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng Việt Nam không thiếu chính sách, nhưng cần nâng cao chất lượng chính sách, phản ứng chính sách kịp thời hơn và nhất quán về chính sách, Thủ tướng cho rằng, đây là nhận định khách quan, cần tiếp thu.

Nhấn mạnh mục tiêu nhất quán là tiếp tục thực hiện kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng đạt kế hoạch, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành. Theo đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư rà lại, cập nhật kịch bản tăng trưởng, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/8 để có đối sách rõ ràng hơn trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và đầu tư cần khẩn trương hoàn thành giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công, hoàn thiện và trình ban hành Nghị quyết đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Phấn đấu đưa tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 34-35% GDP . Rà soát, đẩy mạnh tháo gỡ các rào cản, các điều kiện kinh doanh không phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay, đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% trên cơ sở chất lượng tín dụng và ổn định vĩ mô.

Bộ Công Thương chỉ đạo phát triển mạnh thị trường trong nước, không để nước ngoài chiếm lĩnh, thâu tóm thị trường trong nước. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Bộ Giao thông vận tải có giải pháp nâng cao công suất sử dụng cảng Cái Mép-Thị Vải, một trong 19 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu siêu trọng. Xây dựng cụm hậu cần phục vụ cụm cảng Sài Gòn. Nghiên cứu giảm chi phí xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng.

Bộ Tài chính chỉ đạo giảm tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành giai đoạn thông quan từ 30-35% xuống còn 15%.

Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát thủ tục cấp phép xây dựng, chứng chỉ hành nghề xây dựng.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ khuyến khích xây dựng hệ thống dữ liệu mở quốc gia ở các địa phương trên tinh thần công khai, minh bạch, sát dân, sát cơ sở, thúc đẩy khởi nghiệp , đầu tư kinh doanh.

Với ngành nông nghiệp, Thủ tướng đặt nhiệm vụ GDP nông nghiệp tăng 3% trong năm nay. Xuất khẩu nông sản, lương thực lớn hơn hoặc bằng 33 tỷ USD.

Về phát triển công nghiệp xây dựng, loại bỏ các điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt không hợp lý, bảo đảm cho các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng. Các tập đoàn, tổng công ty thuộc các Bộ Công thương, Xây dựng và các bộ, ngành liên quan, bảo đảm các điều kiện cho phát triển như điện lực, có phương thức cung cấp vật liệu thay thế cát… Ngành du lịch phấn đấu đạt 13-15 triệu khách quốc tế.

Các địa phương chủ lực hay vùng tăng trưởng cao như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh… phải có giải pháp thúc đẩy công nghiệp xây dựng địa phương cao hơn năm 2016.

Về doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng cho rằng tiến độ cổ phần hóa chậm, thoái vốn chậm và giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo rà soát vướng mắc, tổ chức thực hiện để triển khai sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Trước hết, thực hiện thoái vốn Nhà nước đối với các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán...

Mai Ngọc

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên