MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận tín dụng

Đây là một phần trong chỉ đạo tại Nghị quyết số 106/NQ-CP Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký mới đây.

Nghị quyết này được ban hành thể hiện yêu cầu của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Theo đó, phấn đầu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017.

Theo Nghị quyết, với nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cũng như toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế tăng dần qua các quý, trong đó quý III đạt mức tăng bứt phá 7,46%. Tính chung 9 tháng đạt 6,41%, cao hơn cùng kỳ, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế từng bước được nâng lên, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên.

Các báo cáo kinh tế cũng cho thấy tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tín dụng đối với nền kinh tế tăng gần 12%, mặt bằng lãi suất cho vay giảm dần, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức như khu vực công nghiệp, xây dựng tăng thấp hơn cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm dừng và chấm dứt hoạt động có xu hướng tăng. Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp.

Do vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động, quyết liệt hành động, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017.

Một trong những yêu cầu đó là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Ngân hàng tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh. Thực hiện quyết liệt, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém; triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.

Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương điều chỉnh theo thẩm quyền và đề xuất cơ quan có thẩm quyền phương án điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2017 giữa các chương trình, giữa bộ, ngành, địa phương. Đối với trường hợp giải ngân chậm, kiên quyết cắt giảm và điều chuyển vốn để thực hiện nhiệm vụ cấp bách khác theo quy định.

Bên cạnh đó, Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ Bộ Công thương tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, tìm kiếm, mở rộng thị trường.

Theo đó, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường; xây dựng hệ thống thông tin thị trường; phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tranh thủ lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Bộ cũng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhất là quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao có các biện pháp ứng phó với rào cản thương mại tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các chương trình thúc đẩy tiêu dùng và phát triển thị trường trong nước; tăng cường phối hợp quản lý thị trường, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Nghiên cứu áp dụng các biện pháp bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu tiểu ngạch và các hoạt động tạm nhập, tái xuất, nhất là những mặt hàng trong nước đã sản xuất được và không khuyến khích nhập khẩu.

Cũng theo Nghị quyết Chính phủ, nông nghiệp phải bảo đảm tăng trưởng đạt 3,05%. Để làm được điều này, Bộ Nông nghiệp cần chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, có phương án phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại. Hướng dẫn các địa phương thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống, vật tư nông nghiệp. Phối hợp với Bộ Công Thương tìm kiếm thị trường mới, thúc đẩy xuất khẩu một số mặt hàng nông sản có tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.

N.D

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên