Thưa Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Tôi cũng không tin đường sắt và không chọn đi tàu
Đường sắt của chúng ta đang tụt hậu, và cứ với đà này, nó sẽ tụt thê thảm hơn nữa nếu không có giải pháp đi kèm với cam kết.
- 27-05-2018Vụ 2 tàu hỏa đâm nhau ở Quảng Nam: 15h hôm nay thông tuyến đường sắt
- 25-05-2018Khởi tố 2 nhân viên gác chắn tàu ở Thanh Hoá trong vụ tàu hỏa đâm xe ben
- 24-05-2018Cận cảnh hàng trăm mét đường ray bị lệch sau vụ tàu hỏa đâm xe ben
- 24-05-2018Triệu tập hai nhân viên gác chắn vụ tai nạn tàu hỏa khiến 10 người thương vong ở Thanh Hóa
Những ngày cuối tháng 5, liên tiếp 4 vụ tai nạn tàu hỏa xảy ra dồn dập. Đã có người chết, người bị thương, thiệt hại lớn về vật chất, gây ùn ứ giao thông. Nhưng cái mất lớn hơn đó là mất thêm niềm tin của người dân về ngành đường sắt .
Từ lâu nay, lĩnh vực vận tải này đã và đang bộc lộ sự trì trệ, yếu kém quá lớn. Sau bao nhiêu giải pháp, bao nhiêu năm tháng chờ đợi, rốt cục, đường sắt vẫn là đứa con "chậm phát triển", chậm lớn nhất trong ngành giao thông vận tải.
Ngày 28/5, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã đăng đàn để xin lỗi người dân, xin lỗi Đảng, Chính phủ. Ông nói: "Thay mặt lãnh đạo bộ, cá nhân tôi xin chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân.
Xin gửi lời xin lỗi gia đình nạn nhân các vụ tai nạn đường sắt thời gian qua. Tôi chịu trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành trong toàn ngành giao thông vận tải, trong đó có ngành đường sắt đã để xảy ra nhiều yếu kém thời gian qua".
Sau nhận trách nhiệm và xin lỗi, Bộ trưởng Thể cũng nói thêm, một câu rất chua chát: "Với đà này thì ai còn tin vào ngành đường sắt, ai còn dám đi tàu nữa".
Vâng, thưa Bộ trưởng, tôi hoàn toàn nhất trí. Từ hàng chục năm nay, tôi đã không tin ngành đường sắt và không đi tàu hỏa. Nếu có dịp, xin Bộ trưởng hãy dành thời gian đi cùng người dân một chuyến tàu, nhưng nhớ là bí mật để thấy, người dân hàng ngày phải tiêu tốn bao nhiêu thời gian, công sức cho một quãng đường chừng 100km.
Trước đây khi chưa có đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, mỗi lần về quê ngoại, tôi thường xuyên phải đi tàu. Nhưng mỗi chuyến hành trình cho khoảng 100km (lên ga Ấm Thượng) mất khoảng gần 5 tiếng. Tức là mỗi giờ tàu chạy chừng 20km. Đó là những hôm tàu chạy đúng giờ, còn chẳng may tàu gặp sự cố, trục trặc, chờ tránh nhau thì thời gian sẽ kéo dài hơn rất nhiều.
Nếu hôm nào chậm chân không mua nổi vé ở toa điều hòa thì thực sự là ác mộng. Nói không ngoa, đã có lần tôi chỉ được đứng 1 chân khi hành khách được nhồi nhét vô tội vạ lên tàu.
Cơn ác mộng về quê với tàu hỏa của gia đình tôi chỉ chấm dứt khi cao tốc Hà Nội – Lào Cai được thông tuyến. Chúng tôi rút ngắn hành trình của mình xuống chỉ còn chừng 2,5 giờ. Với tương quan thời gian như vậy, thưa Bộ trưởng, ai sẽ chọn đi tàu. Việc chậm trễ này không phải ở một cung đường cá biệt mà diễn ra phổ biến ở nhiều nơi.
Tại sao tàu một mình một đường lại chậm chạp, lờ đờ đến như vậy?
Thưa Bộ trưởng, không biết Bộ trưởng đã đi thị sát các tuyến đường sắt hay chưa? Nếu có ít thời gian, Bộ trưởng chỉ cần đi ra khu Thường Tín, Hà Nội, hoặc theo tàu xuôi xuống Hải Dương, Hải Phòng.
Ở trên khoang lái, Bộ trưởng sẽ nhìn rõ nhất, tuyến đường sắt được coi là đường ưu tiên, đường độc đạo liệu có còn độc đạo hay không? Bộ trưởng hãy đếm thử, 1km đường sắt có bao nhiêu đường ngang dân sinh vắt qua và càng ngày nó càng nhiều hơn.
Chỉ riêng cung đường sắt từ Hà Nội về đến Thường Tín thôi, tại đây đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm. Cá biệt có vụ số nạn nhân thiệt mạng lên tới 9 người.
Nhiều năm là phóng viên, tôi cũng đã đi đến nhiều điểm đen tai nạn đường sắt để mục sở thị. Có những nơi, người dân, doanh nghiệp phải bỏ tiền túi để thuê nhân công gác chắn. Đáng lý, họ chẳng phải bỏ tiền ra để làm thay việc cho ngành đường sắt. Nhưng nếu không thuê người thì tai nạn xảy ra liên miên.
Họ khiếp hãi khi phải nhìn thấy người chết, người bị thương nên chẳng có lựa chọn nào khác. Hơn nữa, nếu để xảy ra tai nạn, giao thông ùn ứ, đình trệ thì doanh nghiệp ở xung quanh khu vực đó cũng thiệt hại không hề nhỏ.
Tôi không biết tới đây ngành giao thông vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ có những giải pháp gì, nhưng thú thực tối đã chán nghe điệp khúc, sẽ cố gắng, sẽ rút kinh nghiệm, sẽ quản lý giờ tàu chạy, sẽ kết hợp xử lý đường ngang dân sinh…
Những vấn đề muôn thủa đó bao nhiêu năm nay ngành đường sắt vẫn cứ loay hoay.
4 ngày vừa qua, 4 vụ tai nạn đường sắt liên tiếp, trong đó, có 1 vụ 2 tàu đối đầu trực diện với nhau, 1 vụ lật nhiều toa với hàng trăm hành khách. Ơn trời, một thảm họa tương tự như tại Bàu Cá, Đồng Nai năm nào đã không diễn ra. Nhưng xin nhắc lại là với tần suất tai nạn như hiện nay, chúng ta không thể hy vọng vào may mắn mãi được.
Nói đi thì cũng phải nói lại, nhiều vụ tai nạn xảy ra là do ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt. Họ liều lĩnh cắt ngang mũi tàu, đẩy thanh chắn để băng qua mặc cho sự can ngăn của nhân viên gác chắn, nhiều gia đình vô tư sinh hoạt, kinh doanh ven đường tàu…
Nhưng đó là thực trạng ở Việt Nam và thực trạng này cần những giải pháp thực sự hiệu quả để Bộ trưởng không phải thêm một lần xin lỗi.
Nếu tôi nhớ không nhầm, đây là lần đầu tiên người đứng đầu ngành giao thông đưa ra lời xin lỗi đồng thời nhận trách nhiệm vì tai nạn đường sắt xảy ra liên miên. Và sau lời xin lỗi của Bộ trưởng, người dân hy vọng ông sẽ chỉ đạo hành động quyết liệt, thậm chí người dân còn đang trông chờ một lời cam kết có trọng lượng hơn nữa.
Đường sắt của chúng ta đang bị tụt hậu, và cứ với đà này, nó sẽ tụt thê thảm hơn nữa nếu không có giải pháp đi kèm với cam kết.
Trí Thức trẻ