MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thừa Thiên Huế cấp phép đầu tư 15 dự án với tổng vốn 1.536 tỷ trong 5 tháng

Thừa Thiên Huế cấp phép đầu tư 15 dự án với tổng vốn 1.536 tỷ trong 5 tháng

Trong 5 tháng đầu năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp phép đầu tư cho 15 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 1.536 tỷ đồng; thu ngân sách ước đạt 4.781 tỷ đồng. Đồng thời, các chỉ số đánh giá kinh tế khác cũng đều có sự tăng trưởng tích cực.

Thừa Thiên Huế cấp phép đầu tư 15 dự án với tổng vốn 1.536 tỷ trong 5 tháng - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Như Huế.

 Chiều 1/6, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã chủ trì cuộc họp thường kỳ tháng 5/2022 với sự tham dự của các phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở ngành.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 5 tháng đầu năm 2022, tất cả các chỉ số đánh giá đều tăng, tháng sau cao hơn tháng trước, có chỉ số tăng mạnh so với cùng kỳ; đặc biệt là ngành du lịch đã có tín hiệu phục hồi tích cực, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế ước đạt 592.000 lượt, tăng 8,1% so với cùng kỳ; tổng thu từ du lịch ước đạt 1.119 tỷ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2022 ước đạt 107 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng ước đạt 507 triệu USD, tăng 21,5% và đạt 45% kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu đạt 345 triệu USD, tăng 22% và đạt 51% kế hoạch.

Sản xuất công nghiệp Thừa Thiên Huế tiếp tục hoạt động ổn định, hiệu quả. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2022 ước tăng 1,84% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng, chỉ số IIP tăng 9,53% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong tháng 5/2022, tổng sản lượng điện của 13 nhà máy thủy điện và 2 điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là 163,874 triệu kWh, tăng 78,2% so với điện lượng cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 tháng đầu năm 2022 của Thừa Thiên Huế ước đạt 10.438 tỷ đồng, bằng 37,3% kế hoạch, tăng 17,5% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 4.781 tỷ đồng, bằng 69,7% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ.

Cũng theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu năm đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp phép cho 15 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 1.536 tỷ đồng, trong đó, có 1 dự án FDI với vốn đăng ký 575 tỷ đồng; thực hiện điều chỉnh cho 15 dự án, chủ yếu điều chỉnh tiến độ và 4 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 461,5 tỷ đồng.

Công tác cải cách hành chính cũng được tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung đẩy mạnh. Nổi bật đó là Thừa Thiên Huế đứng đầu cả nước về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); thứ 4 cả nước về chỉ số cải cách hành chính; thứ 8 cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 (PCI).

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhận định, trong 5 tháng đầu năm, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, dịch bệnh, nhất là tình hình thời tiết diễn biến bất thường, mưa lũ trái mùa,... nhưng với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp,  tỉnh Thừa Thiên Huế đã phục hồi phát triển du lịch, mở cửa trường học, các hoạt động sản xuất kinh doanh; dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hoá, nghệ thuật,…được tổ chức bình thường; đời sống sinh hoạt của người dân dần ổn định trở lại đã tạo điều kiện hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế xã hội ngay trong Quý I và Quý II/2022.

Thừa Thiên Huế cấp phép đầu tư 15 dự án với tổng vốn 1.536 tỷ trong 5 tháng - Ảnh 2.

Du lịch Thừa Thiên Huế bắt đầu có sự phục hồi trở lại trong 5 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Như Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo, trong tháng 6 và những tháng còn lại của năm 2022, các đơn vị sở ngành, địa phương phải tập trung rà soát những nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án cụ thể đề ra từ đầu năm đến nay chưa thực hiện hoặc thực hiện chậm để kịp thời bổ sung các giải pháp quyết liệt và đôn đốc triển khai thực hiện hiệu quả. Tập trung quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm đạt từ 6,5-7,5%.

Cùng với đó, tập trung chỉ đạo 4 tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An; Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế (giai đoạn 1); Đường Phú Mỹ - Thuận An; dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế,…

"Cần tập trung chăm lo phát triển lĩnh vực văn hoá - xã hội, trọng tâm là hoàn hiện đề án thành lập Khu Công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổ chức thành công Festival Huế lần thứ XI; tổ chức an toàn việc tiêm vắc xin cho học sinh từ 5 đến 11 tuổi. Đảm bảo an toàn, chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia", ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

Theo Ngọc Tân

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên