MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thúc đẩy du lịch TP HCM - ĐBSCL sôi động trở lại

Việc liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL hứa hẹn đưa ngành du lịch sôi động trở lại vào 6 tháng cuối năm.

Ngày 4-7, tại TP Cần Thơ, Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển du lịch TP HCM và ĐBSCL đã tổ chức hội nghị "Sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch của 14 tỉnh, thành trong 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020". Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cùng 200 doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.

50.000 lượt khách từ TP HCM đến ĐBSCL

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch. Chưa có giai đoạn nào mà du lịch giảm sâu về lượng khách và doanh thu như vậy. Tuy nhiên, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo lợi thế rất lớn để có thể đi trước một bước trong việc phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là phục hồi du lịch nội địa tại TP HCM.

Từ sau hội nghị triển khai tại Bạc Liêu vào tháng 12-2019, ngành du lịch trải qua 4 tháng gần như tê liệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thế nhưng, TP HCM và ĐBSCL đã phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin phòng chống dịch, bước đầu cùng nhau triển khai thực hiện hiệu quả một số chương trình trong 13 chương trình liên kết. Nổi bật là hình thành cơ chế phối hợp phát triển du lịch TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; ra mắt trang web kích cầu du lịch; thực hiện hiệu quả 3 chương trình du lịch: Những nẻo đường phù sa, Sắc màu vùng biển và Non nước hữu tình.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, sau 6 tháng triển khai thực hiện việc liên kết hợp tác phát triển du lịch, bước đầu đã hình thành cơ chế thông tin liên lạc, tổ chức hội nghị trực tuyến, tạo kênh thông tin để giải quyết những công việc thường xuyên của TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

"Trong khoảng 2 tháng không bị ảnh hưởng bởi dịch, đã có trên 50.000 lượt khách mua tour tại 5 DN lữ hành lớn của TP HCM để đi du lịch đến ĐBSCL - tăng gần 14% so với cùng kỳ. Ngoài ra, chúng tôi đã đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Các tỉnh, thành đều gửi những chương trình giảm giá, những sản phẩm mới hấp dẫn để thực hiện chương trình kích cầu của TP HCM" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.

Thúc đẩy du lịch TP HCM - ĐBSCL sôi động trở lại - Ảnh 1.

Du khách chụp ảnh tại căn nhà màu tím - một điểm du lịch mới ở TP Cần ThơẢnh: Minh Trung

Sản phẩm du lịch ĐBSCL rất khác biệt

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng sản phẩm du lịch ĐBSCL rất khác biệt, không hề trùng lắp như nhiều người nói.

Ông Thọ dẫn chứng như trong ẩm thực thì hủ tiếu Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) hoàn toàn khác với hủ tiếu Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp). ĐBSCL có cù lao, rừng ngập mặn làm say lòng du khách nên cần nghiên cứu sản phẩm mới. Để liên kết du lịch thành công thì cần có sản phẩm cụ thể của từng tỉnh, thành.

Đồng tình, ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, cho rằng sản phẩm du lịch ở ĐBSCL không hề trùng lắp, chỉ là việc quảng bá, giới thiệu chưa tới nơi tới chốn. Khách du lịch khi đến TP HCM đều đi ĐBSCL vì vùng đất này khác biệt so với những nơi khác trên thế giới, như có nhiều kênh rạch, hàng dừa nước, trái cây, lò gốm…

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho hay DN này đã đi khảo sát thực tế tại nhiều địa phương, tìm kiếm và chọn lọc những điểm đến nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Một số tour mới (đều khởi hành từ TP HCM) được Saigontourist Group đưa ra để phục vụ khách nội địa và quốc tế như: Tour "Sắc màu Khmer" đi tuyến Trà Vinh - Vĩnh Long 2 ngày 1 đêm; tour Bến Tre - Trà Vinh 2 ngày 1 đêm, tour Long An - làng cổ Phước Lộc Thọ - làng nổi Tân Lập 1 ngày, tour Làng hoa Sa Đéc - nhà cổ Huỳnh Thủy Lê 1 ngày…

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ tập trung xây dựng thương hiệu du lịch TP và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Phấn đấu đến quý IV/2020 bắt đầu truyền thông nhận diện thương hiệu du lịch vùng, trong đó mỗi địa phương là một đại sứ du lịch. Bên cạnh đó, chuẩn bị lộ trình xúc tiến các thị trường quốc tế. Đối với những quốc gia kiểm soát tốt dịch Covid-19, cần có kế hoạch quảng bá để du khách biết đến TP HCM và ĐBSCL là vùng du lịch an toàn.


photo-1

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong:

Tháo gỡ khó khăn trước mắt

Cần đặt mục tiêu làm cho thị trường du lịch nội địa trong 6 tháng cuối năm 2020 sôi động trở lại, thậm chí sôi động hơn giai đoạn trước.

Nếu làm bài toán hoán đổi, 10% dân số TP HCM (tương đương 1 triệu người) đi du lịch ĐBSCL và ngược lại, 10% dân số ĐBSCL đến du lịch TP HCM thì sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho DN, xóa bỏ dần tâm lý e ngại đi du lịch của người dân.

photo-2

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam:

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

Không thể để trường ĐH, DN tự đào tạo nguồn nhân lực du lịch mà cần có sự phối hợp từ chính quyền. Chính quyền phải ủng hộ một chi phí nhất định để người dân đi học. Khi học thì 70% là thực hành, như vậy các em mới có thái độ, kỹ năng, ngoại ngữ tốt, từ đó lôi kéo được khách du lịch đến đây. Trên cơ sở đó, khách du lịch quốc tế chắc chắn sẽ bùng nổ tại ĐBSCL. Nếu chúng ta quyết liệt đi vào sản phẩm, xúc tiến, đặc biệt là nguồn nhân lực, thì ĐBSCL sẽ trở thành trung tâm du lịch lớn nhất Việt Nam, thu hút nhiều nhất lượng khách quốc tế và nội địa.


Theo Ca Linh

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên