MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp toàn dân

Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp toàn dân

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phát huy cao độ, phát huy tốt nhất năng lực, phẩm chất, trí tuệ con người Việt Nam để xây dựng đất nước, không phân biệt người trong nước hay ở nước ngoài

Tối 17-5 (theo giờ địa phương), tại TP San Francisco, bang California, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Hiện có hơn 5 triệu Việt kiều trên toàn thế giới, trong đó có hơn 2 triệu người tại Mỹ, tập trung đông đảo nhất ở bang California.

Tại cuộc gặp, đại diện kiều bào bày tỏ vui mừng về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua.

Bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ và tương lai ngày càng tốt đẹp của đất nước trong giai đoạn tới, các đại biểu nêu nhiều kiến nghị, đề xuất, góp ý với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, nhất là trong tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư và tạo điều kiện tốt hơn nữa để kiều bào hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và phát triển đất nước...

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các đại biểu dự cuộc gặp; bày tỏ chia sẻ với khó khăn, mất mát của bà con trong hơn 2 năm qua khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Thủ tướng nêu rõ qua đại dịch càng khẳng định truyền thống của dân tộc Việt Nam là càng khó khăn, thách thức lại càng quyết tâm, nỗ lực, càng đoàn kết, thống nhất...

Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp toàn dân  - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm trụ sở Tập đoàn Google Ảnh: TTXVN

Thủ tướng đánh giá cao cộng đồng doanh nhân kiều bào ở nước ngoài ngày càng đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, tăng cường đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt kiều đang đầu tư 376 dự án theo hình thức đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 1,72 tỉ USD. Trung bình mỗi năm, kiều hối về Việt Nam đạt khoảng hơn 10 tỉ USD, trong năm 2021 đạt 12,5 tỉ USD. Đây là nguồn vốn rất lớn phục vụ tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Nêu rõ Đảng, Nhà nước luôn coi kiều bào là một bộ phận quan trọng không thể tách rời, là một động lực phát triển của đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát huy cao độ, phát huy tốt nhất năng lực, phẩm chất, trí tuệ con người Việt Nam để xây dựng đất nước, không phân biệt người trong nước hay ở nước ngoài.

Dự tọa đàm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp do Asia Society tổ chức cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam lấy khởi nghiệp, khoa học - công nghệ là động lực cho phát triển mới. Chính phủ đang hoàn thiện thể chế, chính sách, chuẩn bị hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đón các startup.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn các đối tác Mỹ phối hợp với các đối tác Việt Nam để góp phần phát động, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp toàn dân, tạo hệ sinh thái khởi nghiệp thực chất, hiệu quả, mạnh mẽ hơn tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng dự hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch Việt Nam - Mỹ với chủ đề "Khám phá lại Việt Nam", truyền tải thông điệp về sự phục hồi, mở cửa và phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sau 2 năm đại dịch, triển vọng quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ trong tương lai.

Tối 17-5 (giờ địa phương), Thủ tướng và đoàn công tác rời TP San Francisco, lên chuyên cơ trở về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, thăm và làm việc tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc với các tập đoàn công nghệ Intel, Apple và Google, có trụ sở tại Thung lũng Silicon, bang California.

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, dựa trên nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ tăng cường hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là trên lĩnh vực có ý nghĩa về cả kinh tế và chiến lược.

Thủ tướng đề nghị các tập đoàn đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh, đóng góp vào quá trình xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số của Việt Nam... Lãnh đạo các tập đoàn đánh giá Việt Nam là nơi rất tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ tiếp tục mở rộng hoạt động, bày tỏ mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam.

Theo Dương Ngọc

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên