MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực hư cuộc đấu tranh quyền lực tại Eximbank

12-05-2016 - 11:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Mặc dù đã có HĐQT mới, sự đấu tranh quyền lực tại Eximbank tiếp tục diễn ra giữa các nhóm cổ đông và không có nhóm cổ đông nào giành được cổ phần kiểm soát.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 được Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank - mã: EIB) tổ chức ngày 29/4 đã bị hủy vào phút chót do thiếu tỷ lệ cổ đông tham dự với chỉ 50,19% cổ phần có quyền biểu quyết tham gia họp. Căn cứ theo quy định và điều lệ của Eximbank về điều kiện tiến hành họp ĐHCĐ lần 1 cần phải có 65% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.

Tới đây, vào ngày 24/5 đối với ĐHCĐTN lần 2 được tổ chức, Eximbank sẽ chỉ cần lớn hơn 51% cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự để tiến hành cuộc họp.

Theo dự đoán của người viết khả năng cuộc họp lần 2 Eximbank sẽ thực hiện được do tại ĐHĐCĐ lần này, tỷ lệ tham dự đã cơ bản đủ tiêu chí 51%.

Về nguyên nhân khiến đại hội lần 1 không diễn ra bắt nguồn từ yếu tố cá nhân. Cụ thể, do sự vắng mặt của 2 nhóm cổ đông lớn. Hai nhóm cổ đông lớn sở hữu hơn 10% vốn của Eximbank đã không có mặt dọ: nhóm 1 do bà Nguyễn Thị Xuân Loan – Nguyên Chủ tịch Ngân hàng Nam Á làm đại diện sở hữu 11,82% cổ phần Eximbank và nhóm 2 do ông Phạm Hữu Phương - nguyên là Trưởng Văn phòng đại diện NHNN làm đại diện sở hữu 10,42% cổ phần.

Trong tài liệu họp ĐHCĐ bất thành cuối tháng 4 có đến 2 tờ trình về số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015 – 2020 là: 09 hoặc 11 thành viên như đề nghị của 2 nhóm này. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do nào mà 2 nhóm cổ đông đã xuất hiện nhưng lại không đăng ký tham dự nên ĐHCĐTN đã không được tổ chức thành công và không biểu quyết về nội dung này.

Ở một chiều ý kiến khác, Eximbank cho biết ngày 26/4, ngân hàng cũng nhận được kiến nghị của nhóm cổ đông sở hữu tổng cộng 25,95% vốn điều lệ của Eximbank đề nghị số lượng thành viên HĐQT của Eximbank chỉ là 9 người như hiện tại.


Hơn 70% cổ phần của Eximbank không rõ danh tính của người sở hữu

Hơn 70% cổ phần của Eximbank không rõ "danh tính" của người sở hữu

Như vậy, "mặc dù đã có HĐQT mới, thì sự đấu tranh quyền lực tại Eximbank tiếp tục diễn ra giữa các nhóm cổ đông và không có nhóm cổ đông nào giành được cổ phần kiểm soát", chuyên gia phân tích của CTCK HSC nhận định.

Cũng theo nguồn tin này, 2 nhóm cổ đông kể trên có lẽ không chắc chắn về khả năng thông qua việc nâng số lượng thành viên HĐQT. Trong khi đó hiện ban lãnh đạo cũng đang bị phân tâm ở vào chính thời điểm hết sức quan trọng đối với hoạt động của ngân hàng.

Trước ý kiến cho rằng, Eximbank đang gặp khủng hoảng trong vấn đề nhân sự, ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank cho biết: "Tôi không coi đây là khủng hoảng nhân sự của Eximbank, nó là vấn đề tự nhiên, là sự khác biệt quan điểm giữa các nhóm cổ đông thôi. Chúng tôi đang nỗ lực đi tìm những người có tài, cùng đóng góp cho sự phát triển của ngân hàng, tạo điều kiện để họ đóng góp đúng sở trường, đồng thời tiến hành sàng lọc, chọn lựa".

Về tình hình kinh doanh hiện tại, lãnh đạo ngân hàng ngân hàng đã cam kết minh bạch trong hoạt động kinh doanh và đang nỗ lực đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.

Kết thúc quý I, lãi sau thuế của ngân hàng chỉ đạt vỏn vẹn 24 tỷ đồng, tương đương gần 6% cùng kỳ năm trước do chi phí dự phòng dâng cao đột biến. Eximbank rõ ràng đã thay đổi chính sách dự phòng và thực hiện trích lập toàn bộ dự phòng cho quý I/2016 ngay trong quý thay vì trích lập vào quý sau đó như chính sách của năm ngoái.

"Theo công văn Ngân hàng trình UBCKNN về kế hoạch xử lý lỗ lũy kế năm 2015, ngân hàng dự kiến ghi nhận khoảng 298 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế từ các giao dịch BĐS với Eximland trong những năm trước, được ghi nhận trực tiếp là lợi nhuận tích lũy trên Bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, trong trường hợp Eximbank thu về số tiền này và hoàn thành kế hoạch cho năm 2016, lỗ lũy kế của ngân hàng sẽ không còn và do đó mối lo ngại về việc bị hủy niêm yết cũng biến mất", CTCK HSC dự đoán.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên