Thực tế "vỡ mộng" của sinh viên Kinh tế: Đem kiến thức sách vở đi đầu tư rồi... mất trắng 50 triệu trong 2 tuần!
Nếu bạn nghĩ học Kinh tế là học cách kiếm tiền thì có lầm tưởng khá nhiều rồi đấy!
- 21-02-202223 tuổi, nữ sinh Ngoại thương kiếm 1 tỷ trong 3 tháng: Chỉ làm 2 tiếng/ ngày vì "leader không phải cái gì cũng xắn tay vào làm"
- 21-02-2022Học được 3 điều này từ một huyền thoại đã giúp Warren Buffett trở thành "thần đầu tư": Nếu biết sớm, bạn cũng có thể giàu có hơn
- 20-02-2022Gen Z nói thẳng về kiếm tiền: "20 tuổi mới bắt đầu là hơi muộn rồi đó"
Kinh tế vẫn luôn là ngành học hot, có điểm đầu vào cao nhất lên đến 27 - 28 điểm ở các trường đại học. Học Kinh tế tất nhiên là học về cách kiếm và quản trị tiền. Tuy nhiên, học trên sách vở chưa bao giờ là đủ!
Ngành học hot và câu hỏi: Học Kinh tế để làm gì?
Thị trường rộng mở, ngành học đa dạng, không ít học sinh nuôi giấc mơ vào lĩnh vực kinh tế. Diệp Linh (22 tuổi, sinh viên Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) đã dồn toàn tâm toàn ý vào theo học khối A ngay khi vào cấp 3 với định hướng của bố mẹ. Một ngành học hot đòi hỏi cô bạn đã phải cạnh tranh, phấn đấu rất nhiều.
Cùng với suy nghĩ trên, Minh Thắng (Học viện Tài chính) đột ngột chuyển hướng sang ngành Kinh tế vào năm cuối cấp 3 vì khi đăng ký trường, bạn nào cũng chọn kinh tế. "Mình học khá tốt Ngoại ngữ nên từ lâu đã muốn theo học Du lịch - Lữ hành nhưng cảm thấy lạc lõng, bạn bè ai cũng theo kinh tế. Nên mình theo và nghĩ rằng đây là ngành dễ kiếm tiền, mọi người làm được thì mình cũng vậy".
Đỗ ngành Kinh tế với điểm khá cao, Thắng tự tin rằng bước đầu mình đã làm tốt thì sau chỉ cần cố gắng học là dễ dàng thực hiện theo suy nghĩ ban đầu. Tuy nhiên việc phải loay hoay cùng những con số mỗi ngày khiến cô bạn chán nản.
Ngành học vốn yêu cầu tư duy cao cùng khả năng xử lý số liệu nhưng Minh Thắng lại thiên về ngoại ngữ cũng như trải nghiệm nên việc học không đạt hiệu quả. Cuối cùng, Thắng đã bảo lưu việc học vào kỳ thứ II của năm 3.
Nhiều người nghĩ học tài chính là con đường kiếm tiền nhanh nhất. Điển hình như truyền thuyết "làm ngân hàng sẽ được thưởng Tết 10 tháng lương"… Nhưng khi sinh viên ra trường, nhiều người chỉ đi làm sales chứ không được đứng ra giao dịch, rồi dẫn đến chán nản.
Khi nhắc đến ngành Kinh tế, cũng là lúc Lâm Hậu (ĐH Kinh tế TP.HCM) dù đã học lên Thạc sĩ, xong vẫn rất sợ khi bị hỏi: Học Kinh tế là học gì? Cậu tâm sự: “Kinh tế là ngành học rộng lớn nhất, nhiều người học nhất, cũng dễ gây hoang mang nhất. Người ngoài thì nghĩ là mấy đứa này học kinh tế là làm kinh doanh rồi. Nhưng mấy mấy đứa đang học mới hiểu chả biết sau này ra làm gì, chỉ biết học, đụng gì thấy hợp thì làm thôi”.
Trong khi đó, Quang Huy (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho hay: "Mình chưa từng có một khái niệm gì về ngành Kinh tế, khái niệm mơ hồ với mình. Hai năm đầu tiên mình chỉ nghĩ đơn giản nó liên quan đến tiền thôi. Nhưng khác xa với tưởng tượng của mình, ngành Tài chính mình đang học có rất nhiều thứ liên quan đến đầu tư và phát triển kinh tế".
Học Kinh tế không đồng nghĩa dễ dàng kiếm ra tiền
Vào năm 2016, câu chuyện nữ sinh năm nhất đặt câu hỏi "Làm sao đạt mức lương 2.000 đô khi ra trường" dấy lên cuộc tranh luận.
Đối với ngành Kinh tế cũng vậy, việc làm trong một lĩnh vực xoay quanh đồng tiền, dòng tiền không có nghĩa việc kiếm tiền thuận lợi.
Minh Thắng (23 tuổi) vừa tốt nghiệp ngành Tài chính - Ngân hàng, sở hữu tấm bằng giỏi ở một trường đại học hot tại Hà Nội. Cậu bạn nghĩ rằng công việc sẽ thuận buồm xuôi gió, mức lương cũng phải trên 15 triệu. Nhưng cậu hoàn toàn bị sốc vì những yêu cầu của mức lương mình mong muốn như kinh nghiệm trên 2 năm, chứng chỉ IELTS trên 6.5, hiểu biết các phần mềm đầu tư,...
Suốt thời gian đi học, Minh Thắng chỉ chuyên tâm vào học và có một vài tháng kinh nghiệm làm thực tập sinh. Còn những công việc sẵn sàng chiêu mộ sinh viên mới ra trường như Minh Thắng thì chỉ có mức lương 7-10 triệu đồng.
"Mình chỉ nghĩ là khi thị trường mở rộng hơn rồi thì tìm một công việc lương cao sẽ dễ dàng hơn nhưng lại yêu cầu nhiều thứ mà trong trường đại học không chú trọng" - Minh Thắng chia sẻ.
Không riêng gì mình, Minh Thắng cũng thừa nhận những bạn học cùng mình cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nhiều người sẽ bổ sung thêm các chứng chỉ, kỹ năng để ứng tuyển vào một việc lương cao. Số còn lại sẽ chấp nhận làm ở những công ty nhỏ, mức lương dao động 7-9 triệu.
Vỡ mộng đi từ lý thuyết ra ngoài thực tế: Mất trắng 50 triệu trong 2 tuần
Thời gian gần đây, việc đầu tư tài chính, chứng khoán cũng được những sinh viên Kinh tế thử sức như một cách để rèn luyện kỹ năng và thực hiện ước mơ "hái ra tiền". "Mình đầu tư như một cách để bản thân học hỏi kiến thức và cũng để biết cách theo dõi dòng tiền, biến đổi của thị trường để dễ dàng vận dụng. Tất nhiên là mục đích kiếm thêm thu nhập là rất lớn", Diệp Linh chia sẻ.
Nhưng không nằm trong dự tính, cô sinh viên năm cuối rơi vào khủng hoảng vì mất đến 50 triệu đồng trong vòng 2 tuần. "Ban đầu thì số tiền đầu tư chứng khoán của mình chỉ dao động trong ngưỡng an toàn và còn có lãi. Nhưng sau đó tụt dốc và mình mất hết, thực sự rất sốc", Diệp Linh nói.
Không riêng gì Diệu Linh, Phương Hằng cũng đã từng vỡ mộng khi đi từ lý thuyết ra thực tế:
“Khi áp dụng lý thuyết vào thực tế, mình đã trải qua một số lần vỡ mộng “thú vị”. Mình sẽ đơn cử một ví dụ: đó là khi đầu tư một số tiền ít ỏi vào thị trường chứng khoán. Mình tự tin khả năng nhận định của bản thân, kiến thức học trên trường nên đã đưa ra quyết định bỏ tiền vào một vài mã chứng khoán. Cái kết: Mình đã mất một khoản tiền - cái mà mọi người gọi là học phí dành cho F0.
Tất nhiên, không phải tất cả ai đầu tư cũng giống như Diệu Linh, cô bạn nhận định rằng việc đầu tư phải có nhiều kiến thức, kinh nghiệm cũng như kỹ năng ứng biến tốt, còn bản thân lại chưa được va vấp nhiều. Vì vậy, học Kinh tế trên trường thôi chưa đủ. Phải học tốt và có nền tảng chắc chắn và... không nên kỳ vọng quá nhiều.
Học một đằng làm một nẻo là bình thường!
Từng đứng trước việc phải dừng lại việc học vì chẳng biết mình đang học gì, Quang Huy đã mất hơn 2 năm để định hướng và hiểu được những gì mình đã đang học, luôn phải định hình sẽ làm gì khi ra trường.
Huy luôn hoang mang với việc học của bản thân, hơn hết khi chỉ còn khoảng hai tháng nữa sẽ ra trường. Cậu bạn tâm sự rằng: “Tới giờ phút này mình vẫn thấy chông chênh với ngành học của bản thân, mình đã suy nghĩ rất nhiều về việc sẽ làm nhiều hơn về thiết kế thay vì làm kinh tế. Sau khi cảm thấy ổn định, mình sẽ học tập và áp dụng những điều được học vào công việc tương lai".
Đã từng vỡ mộng với việc học và đi làm, Lâm Hậu cũng đã có khoảng thời gian lo lắng trước việc định hướng tương lai: “Chuyện thực tế chắc không xảy ra trong quá trình học mà là trong khi mình đi thực tập. Như đã nói là mình có “mộng tưởng" là nghề tổ chức sự kiện sẽ “vui” lắm, sẽ hợp với một đôi chân không ngại đi và cái đầu không ngại nghĩ như mình.
Nhưng khi đối diện với thực tế thì “mộng vỡ tan tành", mình không thể kể chi tiết được do có thể là nghề này không hợp với mình, hoặc mình chọn sai công ty, nhưng có thể diễn tả cái công việc thực tập lần đó là như vậy: Chương trình nào cũng y như nhau, không có không gian để mình sáng tạo thêm bất cứ điều gì".
Sự vỡ mộng đó tuy có phần làm cậu bạn chùn bước. Cậu chuyển hướng để trở về với ước mơ những năm cấp 3, quyết định trở thành một Content Creator - Writer. "Nếu mà hỏi kiến thức ở trường có áp dụng được trong công việc hiện tại nhiều không, thì mình xin khẳng định là rất là ít". Công việc hiện tại không liên quan gì đến kinh tế và những điều bạn đã được học trong suốt 4 năm tại trường.
Tạm kết
Trong Kinh tế người ta có một khái niệm gọi là “chi phí cơ hội", khi mà bạn làm một điều gì đó thì bạn đã mất đi một cơ hội để làm việc khác. Với mỗi cá nhân, đã chọn, đã học kinh tế thì có nghĩa là “chi phí cơ hội" để có cho bản thân những điều khác, những trải nghiệm mới nên các bạn sinh viên chẳng có gì hối tiếc.
Kinh tế vẫn là một ngành HOT, rất đáng học. Bởi ngành Kinh tế sẽ cung cấp kiến thức đưa bạn quản trị kinh doanh, quản lý tài chính, hiểu được cách vận hành của đồng tiền... Hơn thế nữa, bằng cấp của ngành Kinh tế rất có giá trị khi đi xin việc trong các công ty. Nhiều công ty/tập đoàn cũng yêu cầu bằng cấp bắt buộc đối khi đi ứng tuyển.
Tuy nhiên, việc học trên lớp chưa bao giờ là đủ! Hãy cố gắng làm thêm nhiều ở thời sinh viên, tích luỹ kiến thức cho mình. Bên cạnh đó, cũng phải hiểu rằng "không phải cứ học Kinh tế là sẽ dễ kiếm tiền", hãy tranh thủ nâng cao kĩ năng thì bản thân mới có sức hấp dẫn với đồng tiền nhé!
Pháp luật và bạn đọc